Khó hấp thu gói tín dụng 285.000 tỷ đồng

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
29/03/2020 11:09:58 SA
BẢO TRỢ

Khó hấp thu gói tín dụng 285.000 tỷ đồng

NHNN đã công bố gói tín dụng 285.000 tỷ đồng cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, hoạt động của DN đối mặt với nguy cơ ngưng trệ, dẫn đến khả năng hấp thu gói tín dụng hỗ trợ này không nhiều.

Nhu cầu tín dụng không cao

2 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam kém khởi sắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Hầu hết ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng lũy kế sụt giảm so với các tháng trước đó, kể cả ngành công nghiệp chế biến chế tạo (động lực chính của sản xuất công nghiệp) cũng chỉ tăng 7,4%, thấp hơn mức 11,4% của cùng kỳ 2019.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% cùng kỳ 2019. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 74 tỷ USD, chỉ tăng 2,4%. Trong đó xuất khẩu 36,9 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu 37,1 tỷ USD, tăng 1%. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng chỉ tăng 5,4% (cùng kỳ 2019 tăng 9,3%).
 

Với diễn biến này, đầu tháng 3, Chính phủ ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19. Trong các giải pháp đó có 2 gói hỗ trợ quan trọng là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết gói tín dụng hỗ trợ dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng do khoảng 30 NHTM cam kết tham gia, không dùng ngân sách. Trong đó có nhiều NH đăng ký nguồn vốn khá lớn như BIDV 120.000 tỷ đồng, Agribank 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng… Gói tín dụng này có lãi suất thấp hơn 0,5-1% so với mặt bằng chung, hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và DN bị ảnh hưởng.

Trên lý thuyết, gói tín dụng lãi suất ưu đãi đưa ra vào thời điểm khó khăn này là cứu cánh cho các DN. Bởi DN kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn vay, NH cho vay lãi suất ưu đãi là điều kiện rất tốt để DN giảm chi phí đầu vào, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, gói tín dụng hỗ trợ 285.000 tỷ đồng lại không được giới chuyên gia kỳ vọng nhiều.

Bởi thực tế một số NH đã sớm chủ động triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhu cầu vay vốn của DN không nhiều. Tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,06%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 1%. 

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, phần lớn dư nợ vào các ngành trong 2 tháng đầu năm đều giảm, nhưng chủ yếu giảm tại dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải. Chỉ vài lĩnh vực sản xuất ghi nhận tăng tín dụng khi nguyên liệu sản xuất dự trữ vẫn còn. Dự kiến trong tháng 3, các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên đầu ra xuất khẩu của DN Việt Nam đến các nước này bị ảnh hưởng.

Bên cạnh cú sốc cầu khi xuất khẩu sang các thị trường gặp khó khăn hay lượng khách quốc tế sụt giảm, dịch Covid-19 còn mang đến lo ngại về cú sốc cung cho nền kinh tế. Bởi hiện nay đã có sự ngưng trệ và đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam đang tham gia, khi 2 thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang bị dịch bệnh hoành hành. Do đó, khả năng vay vốn của lĩnh vực sản xuất cũng khó tăng.

Cần hỗ trợ thực chất

Từ góc độ DN, gói tín dụng trên vẫn chưa thật sự là tin đáng mừng giữa mùa dịch bệnh ảm đạm. Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết gói tín dụng hỗ trợ DN đã được công bố nhưng đến nay hiệp hội vẫn chưa rõ thủ tục tiếp cận vốn như thế nào. “Từ khi có quyết định hỗ trợ đến khi DN tiếp cận được nguồn vốn này phải mất một thời gian và việc tiếp cận cũng không dễ dàng” - bà Ánh chia sẻ. Trong khi đó, một số DN trong lĩnh vực xuất khẩu băn khoăn liệu các gói hỗ trợ này có đến với được họ hay không, vì đến nay chưa rõ những nhóm ngành nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ. 

Vấn đề hiện nay DN thật sự lo lắng không phải việc được vay vốn mới với lãi suất thấp, mà vấn đề là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ, cung cầu trên toàn cầu đều đang chậm lại. Trước Tết, các DN da giày, dệt may đã nhập đủ nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất cho quý I, nhưng các tháng sau đó vẫn chưa biết tình hình sẽ ra sao.

Dịch bệnh đang lan rộng, việc chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường truyền thống như Trung Quốc sang các thị trường khác cũng rơi vào khó khăn. Thậm chí, một số DN đã dự kiến sẽ cắt giảm lao động trong tuần tới do nguồn nguyên liệu sắp cạn kiệt, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn cho biết đã nhận được thông báo nghỉ không lương do công ty tạm thời đóng cửa.

Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, hiện nay chỉ một số ngành dịch vụ như chứng khoán, bất động sản có nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh, các ngành sản xuất phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài hoặc ngành du lịch, vận tải đều đang hoạt động cầm chừng nên khó có nhu cầu vay mới, nhằm tránh phát sinh thêm khoản lãi phải trả.

Như vậy, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng dù thể hiện sự chia sẻ của NH với DN trong lúc dịch bệnh nhưng không tạo ra bước đệm cho DN vượt qua khó khăn này. Điều DN đang cần bây giờ không phải là được vay mới với lãi suất rẻ hơn, họ cần được xem xét khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi vay đối với những khoản vay cũ để chống chọi với tác động tiêu cực dịch bệnh.

DN cũng cần Chính phủ hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa mở rộng, cụ thể là giảm các loại thuế, phí, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính để giảm bớt gánh nặng chi phí hiện hữu. Sau khi bước qua giai đoạn khó khăn này, khơi thông được cung lẫn cầu của thị trường, DN cần được vay vốn ưu đãi để vực dậy sản xuất kinh doanh, gói tín dụng hỗ trợ này mới thật sự là giải pháp phù hợp và cần thiết. 

 Điều DN đang cần lúc này là được xem xét khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi vay đối với những khoản vay cũ để chống chọi với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.


Theo SGĐT
 
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi