Rủi ro thẻ - những cảnh báo

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
20/07/2016 9:23:32 SA
BẢO TRỢ

Rủi ro thẻ - những cảnh báo

Bạn có tin nhắn trên Facebook từ tài khoản của một người bạn, rằng họ gặp rủi ro ở nước ngoài cần hỗ trợ tài chính. Bạn gửi số thẻ tín dụng của mình và mã số bảo vệ cho người bạn. Kết quả là ngay trong ngày, tài khoản thẻ tín dụng của bạn bị thanh toán hết hạn mức được cấp, và tất nhiên, ngân hàng sẽ đòi nợ bạn bằng mọi giá.

Với một số người, trò lừa này đã “xưa như trái đất”, tuy nhiên, tình trạng lừa đảo thanh toán qua mạng dưới các hình thức mạo danh bạn bè, người thân để đánh cắp thông tin chủ thẻ, nhờ mua thẻ điện thoại trả trước, thanh toán hộ các loại hàng hóa, dịch vụ... vẫn đang gia tăng.

Nhiều kiểu rủi ro
Theo một báo cáo của Master Card, tình trạng gian lận thanh toán thẻ tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh từ năm 2014 và tiếp tục tăng trong năm 2015, 2016. “Nguyên nhân chính do chủ thẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo mật dữ liệu thẻ, làm mất dữ liệu hoặc cung cấp thông tin thẻ cho đối tác thứ ba không an toàn”. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ các kênh thông tin điện tử, các hình thức thanh toán qua máy tính, điện thoại thông minh nhưng vấn đề an ninh thông tin vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Đã xuất hiện những hình thức lừa đảo qua kênh thanh toán điện tử như lừa đảo chuyển tiền, mạo danh các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin cá nhân hay các loại tội phạm được thuê, sử dụng thông tin cá nhân để phát hành thẻ, dùng thẻ vào các mục đích mờ ám mà chủ thẻ không hề biết. Các vụ việc thanh toán thẻ giả cũng xuất hiện.

Theo thông tin từ Bộ Công an, giao dịch lừa đảo thường tập trung tại các đơn vị chấp nhận thẻ như các điểm kinh doanh vàng bạc đá quý, đồ điện tử, siêu thị, shop hàng hiệu thời trang, mỹ phẩm, dịch vụ hàng không, tour du lịch, khách sạn, dịch vụ cung cấp online, các dịch vụ không kinh doanh ở nơi thứ hai.

Hàng loạt hình thức lừa đảo qua thẻ và thanh toán điện tử ở trình độ cao hơn trước, chẳng hạn đối tượng lừa đảo cấu kết với đơn vị chấp nhận thẻ (chính là các đơn vị như khách sạn, tour du lịch, chủ điểm kinh doanh) thành lập khống, sử dụng hồ sơ giả mạo để người dùng tin tưởng thanh toán các hợp đồng đầu tư, mua bán hàng hóa giá trị cao như đồ gỗ, hải sản, đá quý. Thực chất đó là các giao dịch mà người trả tiền sẽ không nhận được số hàng đã đặt mua. Đã phát hiện một số tội phạm thuộc đối tượng tội phạm này có quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
 
Bản thân các ngân hàng cũng có tâm lý giấu thông tin về các vụ rủi ro vì lo sợ “mất khách”
nên cơ quan chức năng không có đủ thông tin và cơ sở để kịp thời giải quyết các sự vụ.

Cũng theo Bộ Công an, về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, sáu tháng cuối năm 2015, cơ quan này đã phát hiện 2 vụ thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ giả; 3 vụ dùng thẻ giả rút tiền tại ATM; thu giữ 895 thẻ giả. Tổng số tiền thu giữ là hơn 413 tỉ đồng. Đối tượng bị phát hiện là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ukraine, Anh.

Về rủi ro gian lận tại ATM, Bộ Công an cho biết kết quả phòng chống tội phạm công nghệ cao sáu tháng cuối năm 2015 đã bắt giữ 3 vụ với đối tượng là người Bulgaria, Nga, Trung Quốc, thu giữ 260 thẻ và tang vật là 3 laptop, máy tính, 3 bộ điện thoại di động, 2 thiết bị ghi thông tin thẻ, phôi thẻ... Số tiền thu giữ hơn 3,4 tỉ đồng.

Số liệu khác của Master Card cho biết rủi ro trong nghiệp vụ thanh toán tại Việt Nam năm 2015 tăng 84,86%, một con số rất cao. Số trường hợp dùng thẻ giả tăng 145%. Việc không xuất trình thẻ tăng 38%. Hiện tượng mất cắp, thất lạc thẻ tăng 4%.
Còn theo số liệu tổng hợp từ các ngân hàng, số lượng đơn vị chấp nhận thẻ khống năm 2015 đã tăng 83% so với năm 2014.

Hội Thẻ ngân hàng nhận định rủi ro trong hoạt động thẻ đang gia tăng. Về phát hành thẻ, số thẻ nghi ngờ bị lộ dữ liệu trong 5 tháng đầu năm 2016 tương đương 38,2% so với cả năm 2015. Tội phạm tiếp tục đánh cắp dữ liệu thẻ khi chủ thẻ mua sắm các thiết bị công nghệ cao, mua sắm ở nước ngoài; sử dụng thẻ tại POS, các cửa hàng điện tử, vàng bạc đá quý, các chuỗi siêu thị lớn... Các chủ thẻ đi du lịch, công tác, du học bị đánh cắp dữ liệu thẻ nhiều nhất ở các nước có tỷ lệ khách hàng bị đánh cắp dữ liệu thẻ cao như Mỹ, Canada, Anh, Pháp. Tình trạng làm thẻ giả từ những dữ liệu đánh cắp vẫn tiếp tục diễn ra.

Từ năm 2013 đến 2015, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam đã tiếp nhận thông tin và thông báo cho các ngân hàng về 2.125 thẻ đen (nợ quá hạn trên 90 ngày), 2.828 thẻ nghi ngờ bị lộ dữ liệu liên quan đến hơn 47 vụ ATM skimming (cài thiết bị đánh cắp dữ liệu tại khe ATM), 5.363 chủ thẻ đen, 19 đơn vị chấp nhận thẻ đen.

Riêng năm 2015 đã thông báo 21 vụ ATM skimming, tương đương 75% so với tổng số vụ năm 2014; 348 thẻ nghi ngờ lộ dữ liệu, tương đương 70% so với năm 2014; 559 thẻ đen, bằng 50% so với năm 2014; 11 đơn vị chấp nhận thẻ đen, tăng 83%; 2 vụ ATM bị đập phá; 12 trường hợp tội phạm bị cơ quan điều tra C50 bắt giữ.
 
Các hành vi, thủ đoạn mới của tội phạm được ghi nhận như: sử dụng thẻ trả trước (pre-paid) vô danh để thực hiện giao dịch tại POS, các thủ đoạn skimming mới ngày càng tinh vi tại ATM, đề nghị ứng tiền mặt công khai của các đơn vị chấp nhận thẻ, thuê các cá nhân mở tài khoản, thẻ ghi nợ quốc tế. Đã có một nhóm tội phạm người Trung Quốc câu kết với đơn vị chấp nhận thẻ đánh cắp thông tin và sử dụng thẻ khống, thuê người Việt lập các POS giả thực hiện giao dịch thanh toán khống...
(Nguồn: Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam)

 
Gần đây, cơ quan chức năng tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về các vụ lừa đảo qua game, Facebook, lừa đảo mua bán thẻ cào, chuyển tiền mạo danh các tổ chức chính quyền... Riêng về chấp nhận thanh toán thẻ, trong 5 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện hai đơn vị chấp nhận thẻ thanh toán khống, thẻ giả mạo hồ sơ thanh toán trong các lĩnh vực đá quý, đồ gỗ, kinh doanh khách sạn, tour du lịch.

Thị trường càng lớn, tội phạm càng nhiều
Theo Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, đến cuối tháng 12-2015, các ngân hàng thành viên đã phát hành tổng cộng gần 89,9 triệu thẻ với hơn 200 thương hiệu thẻ khác nhau, mở rộng rất nhanh mạng lưới cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ. Số máy ATM đạt 16.563 máy và POS đạt 217.470 máy trên toàn quốc. Thẻ ngân hàng đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến ở mọi nơi.

Dịch vụ thẻ ngày càng phát triển với tốc độ nhanh cả về số lượng, giá trị giao dịch, kéo theo những rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh thẻ ngày càng cao. Các đối tượng tội phạm thực hiện hành vi gian lận với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến công nghệ cao, gây khó khăn cho đơn vị chấp nhận thẻ trong việc nhận diện thẻ và gây tâm lý e ngại cho khách hàng. Việc quản lý rủi ro qua ATM là một thách thức đối với các ngân hàng do ATM là thiết bị thụ động, không có người giám sát tại chỗ 24/24 nên tội phạm thẻ dễ dàng trục lợi.

Các ngân hàng cho rằng những rủi ro về thẻ xảy ra là do khách hàng chưa nhận diện đầy đủ những khả năng rủi ro cũng như ít quan tâm tuân thủ các hướng dẫn của ngân hàng. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng có tâm lý giấu thông tin về các vụ rủi ro vì lo sợ “mất khách” nên cơ quan chức năng không có đủ thông tin và cơ sở để kịp thời giải quyết các sự vụ.

Một lý do khác là do đơn vị chấp nhận thẻ không tuân thủ quy trình hướng dẫn, thực hiện giao dịch giả mạo, cung cấp thông tin thẻ cho bên thứ ba để thực hiện hành vi giả mạo.

Những việc này dẫn đến thông tin của chủ thẻ bị đánh cắp, tình trạng sử dụng thẻ giả bất hợp pháp gây tổn hại khôn lường về tài chính cũng như uy tín cho ngân hàng, cho chủ thẻ và thị trường chung. 

Theo TBKTSG
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi