Tín dụng đen chiếm đến 60% vốn của nhiều doanh nghiệp
Các diễn giả cho rằng, tín dụng đen không hoàn toàn xấu vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều quan trọng là phải có hành lang, chính sách quản lý tạo điều kiện vay vốn trên thị trường phi tín dụng.
Các diễn giả cho rằng, tín dụng đen không hoàn toàn xấu vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều quan trọng là phải có hành lang, chính sách quản lý tạo điều kiện vay vốn trên thị trường phi tín dụng.
Tại diễn đàn chuyên đề Thị trường Vốn - Tài chính sáng nay (21/8/2018) ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, hiện nay mới chỉ các doanh nghiệp quy mô lớn, quy mô trung bình mới tiếp cận được nguồn vốn chính thức trên thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn "tín dụng đen".
"Tín dụng đen" xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt cho rằng, đa số các SME hiện nay thực tế có thể nói là chưa có có cấu trúc vốn. Các SME được chia thành 3 loại, trong đó, phần lớn là những thanh niên, kỹ sư đi lên từ đam mê, mong muốn khởi nghiệp.
Trung bình vốn các SME chỉ có 10 tỷ, để đầu tư vào các dự án thì phải huy động vốn. Muốn xin vay ngân hàng là rất khó vì bản thân doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, vốn thấp; phát hành trái phiếu doanh nghiệp lại càng khó nữa. Do đó, họ phải tìm đến vốn từ bạn bè, người thân và một nguồn vốn phi chính thức khác còn gọi là "tín dụng đen".
"Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ mà tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen. Chi phí sử dụng vốn phi chính thức có lãi suất rất cao. Một thị trường mà hơi nhạy cảm để đề cập nhưng lại đang hiện diện rõ ràng, công khai", ông nói.
Ông Hùng đề xuất Chính phủ có thể tạo ra khung pháp lý để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ bởi chi phí sử dụng vốn lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ. Việc tiếp cận với nguồn vốn, quỹ, công ty tài chính rất xa vời, chưa kể đến các nguồn quỹ mà Nhà nước đang khuyến khích. Ông Hùng cũng mong, bằng cách nào đó, Chính phủ có thể hợp thức hóa "tín dụng đen" để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra bốn nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ.
Nguyên nhân thứ nhất, theo ông, quỹ tín dụng đen tồn tại theo nhu cầu của người dân. Vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng. Thứ hai, có tình trạng dùng nguồn vay từ tín dụng đen trả nợ ngân hàng. Ba nữa là trong thời gian vừa qua, sự phát triển công nghệ thông tin khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận tiện. Thứ tư là vấn đề khơi thông nguồn vốn, nhiều người không muốn gửi ngân hàng mà cho vay bên ngoài để có lãi suất cao hơn.
Nhìn nhận về tín dụng đen, ông Tuấn không cho là xấu vì nó xuất phát từ nhu cầu thực tế, vấn đề là phải tìm giải pháp quản lý.
Fintech là một giải pháp cho tình trạng tín dụng đen
Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cũng đồng ý rằng tín dụng đen không hoàn toàn là xấu, vì nó có những mặt để tạo điều kiện cho người vay tiền. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của công tác truyền thông, giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng đen, trong khi đó, nhà nước, cần có biện pháp quản lý thị trường này hiệu quả. Ông cũng đề xuất thay vì gọi là "tín dụng đen" thì nên gọi là "tín dụng phi chính thức" nhằm "tránh những ý tuỏng không hay".
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông A. Alatabani gợi mở giải pháp bằng các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường. Ông cho biết hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khoản vay; hoặc công cụ khác như Fintech.
Phó Thống đốc NHNN, Nguyễn Thị Hồng đồng ý với các diễn giả rằng, Fintech là một trong só giải pháp có thể hạn chế được thị trường tín dụng đen và NHNN hiện đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech.
Bà Hồng cung cấp thông tin, hiện có hơn 40 công ty Fintech nhưng 60% trong số này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán, các phân khúc khác như cho vay, ngân hàng số còn hạn chế. Đại diện NHNN khẳng định, cơ quản quản lý sẽ sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hình thức này phát triển tại Việt Nam.
Tiếp lời bà Hồng, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhắn nhủ: "Fintech phát triển rất nhanh, không chờ đợi ai, nên Ngân hàng Nhà nước cần phải nhanh lên".