TPHCM kiến nghị thành lập sàn giao dịch vàng vật chất

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
02/11/2016 10:59:32 SA
BẢO TRỢ

TPHCM kiến nghị thành lập sàn giao dịch vàng vật chất

UBND TPHCM mới đây đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do Nhà nước quản lý.


 
Khách hàng đang mua vàng tại trung tâm vàng bạc đá quý thuộc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI ở quận 1, TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt

UBND TPHCM hôm 27-10 đã gửi công văn đến NHNN đưa ra một số đề xuất nhằm thu hút lượng vàng tồn trữ trong nhân dân đưa vào lưu thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội, và ổn định thị trường vàng, ngăn chặn vàng nhập lậu từ nước ngoài.

Trong văn bản, UBND TPHCM đề xuất NHNN nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do Nhà nước quản lý, xây dựng đề án cho tổ chức được huy động nguồn vàng nhàn rỗi từ dân cư để phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, TPHCM cũng đề nghị NHNN phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương ban hành quy định về nguồn vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, đồ mỹ nghệ cũng như phải quy định cụ thể chứng từ hợp pháp của các nguồn vàng nguyên liệu khác như vàng nữ trang mua lại của khách hàng, nguồn vàng nguyên liệu khác...

UBND TPHCM cũng đề xuất NHNN tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm việc nhập khẩu vàng từ các cửa khẩu biên giới, và xem xét cho các tổ chức tín dụng được cho vay vốn bằng tiền đồng (VND) cho các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo UBND TPHCM, mặc dù thị trường vàng miếng dần đi vào ổn định theo đúng mục tiêu đề ra nhưng chưa thực sự bền vững, còn chịu ảnh hưởng vào sự biến động của giá vàng thế giới và các yếu tố tâm lý trên thị trường.

Ngoài ra, các quy định về nguồn gốc vàng nguyên liệu chưa cụ thể, nên việc xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu cần được quan tâm. Công tác quản lý, kiểm tra nguồn vàng nguyên liệu, vàng trang sức không có nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vào đầu tháng 5-2016 cũng có kiến nghị gửi đến Thống đốc NHNN về việc huy động vàng trong dân. Theo VGTA, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu vàng không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.

Theo VGTA, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế, theo VGTA, là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Cũng theo hiệp hội này, để góp phần huy động vàng có hiệu quả, NHNN cũng cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Bởi vì, thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.

Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui), giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới,… Thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp cũng có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu.

Về vốn tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, VGTA cho biết NHNN không cấm các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn để mua vàng nguyên liệu cho mục đích sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng phải được sự chấp thuận của Thống đốc NHNN đối với từng trường hợp cụ thể.

Trên thực tế, đã hơn bốn năm nay, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Về việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 9-2016, các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã tất toán toàn bộ số dư huy động vàng, tổng dư nợ cho vay vốn bằng vàng (6 ngân hàng) còn 21.644 lượng vàng và từng bước tất toán toàn bộ dư nợ cho vay theo quy định.

Đến cuối tháng 9-2016, số địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên địa bàn TPHCM là 783 địa điểm phủ khắp 24 quận/huyện của thành phố (trong đó có 700 địa điểm của 20 tổ chức tín dụng và 83 địa điểm của 13 doanh nghiệp).

Theo thống kê từ các quận, huyện trên địa bàn, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh vàng. Qua bốn năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, khối lượng sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp tăng qua các năm, từ mức 1.244 kg vào năm 2012, lên 4.967,05 kg vào năm 2013, 12.425,11 kg vào năm 2014, 13.295,48 kg vào năm, và sáu tháng đầu năm 2016 là 6.962,09 kg.

Theo TBKTSG Online
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi