Kẽ hở bảo mật ngân hàng: Lỗ hổng chữ ký chủ tài khoản

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
31/08/2016 10:37:11 SA
BẢO TRỢ

Kẽ hở bảo mật ngân hàng: Lỗ hổng chữ ký chủ tài khoản

Quy định mở tài khoản doanh nghiệp tại ngân hàng đang có những lỗ hổng dẫn đến nguy cơ mất tiền của người gửi.


Nhiều ngân hàng không giám sát, đối chiếu chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản.
 
Các ngân hàng (NH) Vietcombank, VPBank, VIB, ANZ, DongABank… liên tục gặp khủng hoảng do bị khách hàng khiếu nại tiền trong tài khoản của họ “không cánh mà bay”. Trong đó, nổi cộm nhất là vụ bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân), tố cáo 26 tỉ đồng của bà nằm trong tài khoản ở VPBank đã biến mất.

Chữ ký một đường, chủ đi một nẻo

Mấu chốt nằm ở chỗ, hồ sơ đăng ký mở tài khoản của Công ty Quang Huân đã được ký và đóng dấu đầy đủ bởi đại diện của công ty. Tuy nhiên, chữ ký đó lại là chữ ký của kế toán viên của công ty, trong khi phía dưới lại ghi tên của bà Thanh Xuân. Sự việc đang được làm rõ, nhưng theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, diễn biến ban đầu cho thấy khi làm hồ sơ mở tài khoản, VPBank lỏng lẻo trong quy trình mở tài khoản, bởi đã không xác định rõ ràng chữ ký của chủ tài khoản, khiến “chữ ký một đường, chủ đi một nẻo”, từ đó dẫn đến những kiện cáo mất tiền của bà Xuân sau này. 

Liên quan đến việc này, VPBank viện dẫn Thông tư 23 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để cho rằng mình làm đúng quy định. Theo đó, Thông tư 23 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cụ thể khoản 3 điều 14 quy định, đối với tài khoản thanh toán của tổ chức, NH không phải gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản khi ký hợp đồng mở.
 
" Khách hàng có quyền đặt câu hỏi rất lớn là tại sao ngân hàng lại sơ hở đến mức để chữ ký trong hồ sơ đăng ký mở tài khoản không phải của chủ tài khoản mà là chữ ký của người khác? Ngoài ra, dù khách hàng không “mặt đối mặt” ký trước ngân hàng, nhưng ngân hàng phải so sánh với các văn bản khác để đảm bảo đúng chữ ký của chủ tài khoản "

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính
 
Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích quy định trên có thể gây rủi ro lớn cho tài khoản của doanh nghiệp (DN) vì khiến các bên hiểu rằng người chủ tài khoản có thể ký ở đâu đó ngoài NH mà không có cán bộ NH có mặt để kiểm chứng chữ ký là của chính chủ. Tuy nhiên, điều khoản trên quy định rằng cho dù NH không phải gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản, nhưng NH phải có trách nhiệm đối chiếu, đảm bảo khớp đúng giữa dấu, chữ ký của chủ tài khoản trên hợp đồng với mẫu dấu, mẫu chữ ký của chủ tài khoản trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán. “Khách hàng có quyền đặt câu hỏi rất lớn là tại sao NH lại sơ hở đến mức để chữ ký trong hồ sơ đăng ký mở tài khoản không phải của chủ tài khoản mà là chữ ký của người khác? Ngoài ra, dù khách hàng không “mặt đối mặt” ký trước NH, nhưng NH phải so sánh với các văn bản khác để đảm bảo đúng chữ ký của chủ tài khoản”, ông Hiếu nói.

Theo giám đốc phụ trách pháp lý của một NH, cuộc chạy đua cạnh tranh tìm kiếm khách hàng khiến “lỗ hổng” chữ ký ngày càng lớn. Các nhân viên NH bị “đè” dưới áp lực chỉ tiêu và thời gian, trong khi họ khó gặp được người chủ DN để mời mở tài khoản. Trong trường hợp hồ sơ mở tài khoản của DN gửi đến NH qua đường bưu điện, NH sẽ khó thể xác định được chữ ký của chủ tài khoản mà phụ thuộc vào con dấu của DN. “Điều này rất nguy hiểm, bởi việc quản lý con dấu DN không phải lúc nào cũng chặt chẽ kéo theo các hệ lụy khác”, ông nói.

TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM phân tích, theo quy định việc mở tài khoản của DN phải do đại diện pháp luật thực hiện hoặc người được ủy quyền. Dù là ai, người mở tài khoản phải có giấy tờ chứng minh hợp pháp và trình cho NH khi mở tài khoản. Nếu là đại diện theo ủy quyền thì phải có giấy ủy quyền gửi đến NH. Chữ ký của người đại diện hay người được ủy quyền sẽ được NH lưu. “Tuy nhiên, trong trường hợp Công ty Quang Huân, NH tùy tiện trong việc lưu chữ ký mẫu người đại diện pháp luật của DN, không kiểm tra đối chiếu chữ ký của DN đúng hay không mà tin vào hồ sơ chuyển đến cũng như dễ dãi trong quá trình kiểm soát mở tài khoản về thẩm định chữ ký”, TS Tín phân tích.

Hớ hênh hay câu kết ?

Kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu cho biết đơn vị bà đang công tác mở tài khoản giao dịch tại nhiều NH. Khi đăng ký mở tài khoản, NH quét chữ ký điện tử của giám đốc và kế toán trưởng làm thông tin dữ liệu. Khi DN làm thủ tục giao dịch, chỉ cần chữ ký nét mực nhòe ở góc một chút, hoặc trên đậm dưới nhạt, NH so sánh với chữ ký điện tử thấy không rõ là từ chối cho rút hay chuyển tiền đi đâu.

“Có hôm tôi ký nét khác một chút là NH đã không cho rút tiền, mà bắt phải ký lại cho đến khi khớp với chữ ký mẫu”, bà kể. Theo luật, kế toán chỉ là người quản lý tiền, không được đụng tới tiền, chỉ có thủ quỹ mới cầm tiền. Vì vậy, kế toán không thể “khơi khơi” đến rút tiền mà không có chữ ký của giám đốc, chưa kể người thứ ba càng không dễ rút tiền.

Phải có đầy đủ 2 chữ ký của giám đốc và kế toán mới được rút tiền, khi thủ quỹ đến rút tiền phải trình chứng minh thư và có camera giám sát. “Nên việc kế toán Công ty Quang Huân vừa ký vừa rút tiền được thì thật khó hiểu”, bà này đặt nghi vấn.

Ông Nguyễn Trí Hiếu dẫn trường hợp “vợ đột quỵ, NH không cho chồng rút tiền” gần đây để chứng minh không dễ rút tiền. Theo đó, vào tháng 4.2016, vợ ông M. gửi 2 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn 1 tháng tại một NH. Vài ngày sau vợ ông bị đột quỵ.

Khi ông đến rút tiền ra để trang trải chi phí cho vợ nằm viện thì NH không cho mà yêu cầu phải có sự đồng ý của người giám sát, giám hộ.

Cụ thể, NH đòi các thủ tục gồm: tờ cam kết do NH đưa và có chứng nhận của ban tư pháp; giấy chứng nhận của bệnh viện nơi vợ ông điều trị; giấy chứng nhận kết hôn cùng chứng minh thư và hộ khẩu của ông.

Sau đó, NH yêu cầu ông bổ sung thêm các loại giấy chứng minh là người thừa kế duy nhất của vợ... “Sự khắt khe mà nhiều người thấy phi lý này cho thấy nếu theo đúng quy trình thì không dễ gì tiền bị thất thoát ở NH. Chỉ có sự lỏng lẻo hoặc có sự câu kết của nhân viên phụ trách dẫn đến khủng hoảng chữ ký ở NH như hiện nay”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói và cho biết thêm ở nước ngoài, chủ DN mở tài khoản NH phải thực hiện thủ tục ngay tại NH trong giờ làm việc, điền và ký dưới sự chứng kiến của nhân viên NH.

Trong trường hợp ngoại lệ, thủ tục mở tài khoản được làm ngoài NH phải có sự chứng kiến của đại diện NH. Các lý do đưa ra để biện minh cho việc chủ DN không trực tiếp đến NH thực hiện thủ tục mở tài khoản tại NH như quá bận hay NH tạo môi trường thông thoáng cho DN mở tài khoản là khó chấp nhận.

Để bịt lỗ hổng chữ ký, ông Bùi Quang Tín cho rằng phía NH cần rà soát lại quy trình mở tài khoản để có thể xác định được đúng người đại diện pháp luật hay người được ủy quyền mở tài khoản. Đồng thời nâng cao nghiệp vụ cho kiểm soát giao dịch viên về kiến thức kinh tế, ý thức pháp luật và NH hạn chế mối quan hệ thân thiết giữa giao dịch viên, kiểm soát viên và thủ quỹ.
 
Sẽ thanh tra dịch vụ thanh toán tại các ngân hàng

Ngày 29.8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản số 6466/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội NH, Cơ quan thanh tra, giám sát NH, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.

Thống đốc NHNN yêu cầu các NH phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình. Đối với hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến, các tổ chức cung ứng dịch vụ cần nghiên cứu triển khai các giải pháp tăng cường an ninh, bảo mật; không được bớt xén các công đoạn trong các quy trình nghiệp vụ; thường xuyên đánh giá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra được an toàn, thông suốt.

Đặc biệt, khi có các rủi ro, gian lận xảy ra phải báo cáo NHNN và phối hợp với khách hàng, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan xử lý nhanh, chính xác, đúng quy định và sớm thông tin cho khách hàng; quyền lợi của người dân, của khách hàng phải được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Cơ quan Thanh tra, giám sát NH và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu đưa nội dung thanh tra về công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán vào chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ để tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử của các NH.

Theo TNO
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi