Giảm lãi suất đã bắt đầu lan tỏa
Sau đợt giảm lãi suất của bốn ngân hàng thương mại quốc doanh hôm 26-9, đã có thêm nhiều ngân hàng TMCP giảm lãi suất huy động đầu vào. Có vẻ như mục tiêu giảm lãi suất dưới sự “đạo diễn” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lan tỏa đến thị trường.
Giao dịch tại Techcombank. Ảnh: Thành Hoa
Vào cuộc đua giảm lãi suất
LienvietPostBank, DongA Bank, MB, VIB... và hàng loạt ngân hàng khác đã chủ động giảm lãi suất huy động theo sau động thái của các ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh. Có ngân hàng giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm như HDBank, SHB nhưng cũng có ngân hàng giảm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm như VIB, DongA Bank, LienvietPostBank, MB... tùy theo từng kỳ hạn.
Tương tự các NHTM quốc doanh, việc điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào của các ngân hàng TMCP chỉ diễn ra ở các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, trong khi các kỳ hạn trên 12 tháng được giữ nguyên. Điều này cho thấy các ngân hàng đánh giá xu hướng lãi suất sắp tới vẫn chịu áp lực tăng lên nhiều hơn, hoặc phản ánh nhu cầu vốn ở trung, dài hạn đang cao hơn trong thời điểm hiện nay. Thực tế, vẫn có những ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên như Techcombank, dù mức tăng thấp chỉ 0,1 điểm phần trăm.
Với việc điều chỉnh như thế, chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài của nhiều ngân hàng đã mở rộng đáng kể, lên mức bình quân từ 1,8-2%. Nếu trước đây có một giai đoạn đường cong lãi suất gần như đi ngang, thì hiện độ dốc của đường cong đã ngày càng đi lên theo kỳ hạn tương ứng (xem biểu đồ).
Đáng chú ý độ dốc cao ở kỳ hạn giữa kỳ hạn dưới sáu tháng và từ sáu tháng trở lên, do NHNN vẫn đang áp dụng trần lãi suất huy động dưới sáu tháng và thả nổi từ sáu tháng trở lên. Ngoài ra, độ dốc giữa kỳ hạn dưới 12 tháng và từ 12 tháng trở lên cũng khá cao, phản ánh nhu cầu huy động vốn từ 12 tháng trở lên như đã nói. Tuy nhiên, từ kỳ hạn trên 13 tháng, độ dốc thoải xuống phản ánh các ngân hàng không có nhiều động lực để huy động ở các kỳ hạn quá dài, có thể do khó dự báo được xu hướng lãi suất hoặc để duy trì biên độ lãi đủ cao nhằm đảm bảo tỷ suất sinh lời theo kỳ vọng.
Những tín hiệu tích cực
Việc giảm lãi suất đầu vào đã giúp nhiều ngân hàng tiết giảm chi phí vốn, yếu tố thật sự cần thiết trong bối cảnh các ngân hàng thừa vốn và khó khăn trong việc tăng trưởng mạnh cho vay theo tốc độ tăng huy động, trong khi các kênh đầu tư khác có lợi suất rất thấp. Việc giảm được chi phí vốn, trước mắt cũng giúp các ngân hàng mở rộng biên độ lãi và tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Thực tế, vừa qua cũng đã có một số ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay như VCB, LienvietPostBank, HDBank trong khi nhiều ngân hàng khác tung ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi. Dù động thái giảm lãi suất cho vay chưa diễn ra trên diện rộng, nhưng với sự khơi mào từ một số ngân hàng nói trên, kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh trên thị trường, từ đó thúc đẩy những ngân hàng đang thừa vốn nhiều và muốn đẩy mạnh cho vay buộc phải giảm lãi suất cho vay.
Một điểm đáng ghi nhận nữa, theo quan sát của người viết, là cơ cấu nguồn vốn tại các ngân hàng đã có sự thay đổi tích cực. Theo đó, nguồn vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng đã và đang có sự tăng trưởng tốt hơn so với vốn ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn dịch chuyển qua lại giữa các ngân hàng dù có nhưng đã không diễn ra tràn lan. Thay vào đó, khách hàng đã quyết định lựa chọn thay đổi kỳ hạn dài hơn để được hưởng mức lãi suất cao hơn tại ngân hàng đang gửi tiền.
Cụ thể, kỳ hạn đang thu hút khách hàng nhiều nhất là 12-13 tháng. Đây là kỳ hạn có thời gian gửi tương đối nhưng mức lãi suất khá cao so với các kỳ hạn khác, do các kỳ hạn dài hơn như 15-60 tháng lãi suất chỉ tương đương hoặc cao hơn chút ít so với các kỳ hạn 12-13 tháng nhưng thời gian gửi quá dài. Thực tế, với lạm phát mục tiêu năm được quyết định kiểm soát ở mức từ 4-5%, thì mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng ở mức 6,5-7,5% vẫn đảm bảo lãi suất thực dương và hấp dẫn người gửi tiền.
Việc nguồn vốn trung, dài hạn đang tăng lên sẽ giúp tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng giảm xuống nhanh hơn, và đủ khả năng đáp ứng theo quy định an toàn của NHNN, vốn đang ở mức 60% và sẽ được điều chỉnh về 50% kể từ đầu năm 2017. Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ này cập nhật đến ngày 30-6-2016 của toàn ngành là 31,08%. Trong đó nhóm NHTM quốc doanh là 33,41% và nhóm NHTM cổ phần là 36,33%.
Tuy nhiên, nếu áp dụng theo cách tính mới của Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, khả năng tỷ lệ này sẽ tăng đột biến (Xem thêm bài Lãi suất huy động vốn tăng vì lý do... kỹ thuật? tại http://www.thesaigontimes.vn/150194/Lai-suat-huy-dong-von-tang-vi-ly-do-ky-thuat.html) và có khả năng một số ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi đáp ứng. Do đó, đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn bằng cách mở rộng chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và lãi suất trung, dài hạn là giải pháp tối ưu vào thời điểm này.
Việc nguồn tiền gửi đang dịch chuyển vào các kỳ hạn dài hơn ở ngân hàng để hưởng lãi suất cho thấy dòng tiền nhàn rỗi vẫn còn khá cao, tỷ lệ tiết kiệm tiếp tục tăng lên và chọn lựa nằm an toàn ở ngân hàng, thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Theo TBKTSG
Chia sẻ