Sập bẫy lãi suất vay tiêu dùng
Nhiều người vay tiêu dùng với lãi suất đến 84%/năm hay liên tục bị đòi nợ kiểu “khủng bố”.
Dễ vay, khó thoát nợ khủng
Anh T., nhà ở quận Tân Bình, TP HCM, từng viết đơn kêu cứu gửi tới Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) TP HCM (AFCA). Anh T. kể vợ anh là người làm nội trợ, không hề có khoản thu nhập nào. Bản thân anh thu nhập khoảng chục triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ xoay xở đời sống gia đình.
Vậy mà vợ anh vẫn được mời vay và xét cho vay ba hợp đồng vay tiêu dùng, tổng cộng hơn 100 triệu đồng, thực chất là vay khoản sau để trả nợ khoản trước. Đến khi chị không kịp trả nợ, số lãi gốc lẫn lãi phạt quá cao, cả gia đình không cầm cự nổi và đang đứng trước nguy cơ phải bán nhà.
Những trường hợp dở khóc dở cười như gia đình anh T. không ít. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, đánh giá mô hình tín dụng tiêu dùng có vai trò tích cực đối với nhu cầu của NTD. Nhưng mặt trái là số vụ việc phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực này gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới tài sản mà còn danh dự và sức khỏe của NTD. Thực tế Cục nhận được rất nhiều khiếu nại của NTD về việc trót ký hợp đồng vay tiêu dùng với lãi suất cắt cổ (có khi lên đến 84%/năm), đến khi phát hiện ra thì không có cách nào để thoát ra được.
Vì sao có tình trạng trên? Đó là bên cho vay không cung cấp đầy đủ thông tin về lãi suất, số tiền trả hằng tháng, tiền phạt nếu chậm trả hoặc cung cấp thông tin sai lệch cho NTD.
“Hợp đồng chính thức chỉ được gửi cho người vay sau khi ký kết, thậm chí gửi qua bưu điện. Khi đó, NTD mới phát hiện thông tin về mức lãi suất ghi trong hợp đồng thường 6%-6,5%/tháng, thay vì 1%-2%/tháng như tư vấn ban đầu” - Cục Quản lý cạnh tranh dẫn chứng. Đó là chưa kể có khi NTD được tư vấn và ký hợp đồng ngay tại các quầy trong siêu thị, trung tâm mua sắm nên không đủ thời gian để xem xét kỹ hợp đồng.
Liên tục bị đòi nợ kiểu “khủng bố”
Không chỉ bị hớ, chịu nhiều thiệt thòi khi trót vay tiêu dùng với lãi suất cao chót vót mà NTD còn khổ sở vì bị đòi nợ. “Người thân, đồng nghiệp của NTD liên tục bị các số máy lạ gọi điện thoại, nhắn tin từ 6 giờ sáng tới 9-10 giờ tối để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ “chợ búa”, giang hồ để thách thức NTD” - báo cáo của Cục thuật lại.
Lý do dẫn đến thực trạng trên, theo Cục Quản lý cạnh tranh là do trong quá trình thu thập thông tin để làm hồ sơ vay tiền, NTD được bên cho vay dụ cung cấp những thông tin trên để xác minh thu nhập, xác minh khoản vay. Tin vào mục đích này, đồng thời vì muốn vay tiền, NTD đã cung cấp đầy đủ. “Thực tế các số điện thoại của người thân sẽ được sử dụng trong quá trình thu hồi nợ phát sinh về sau” - đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.
Ngược lại, người vay lại rất khó khăn trong việc liên lạc với chủ nợ để khiếu nại hay để yêu cầu chấm dứt việc đòi nợ trái pháp luật. Đơn cử khi gọi đến bên cho vay thì tổng đài liên tục bận, lời thoại hướng dẫn rất dài, chỉ nhận phản ánh qua điện thoại, không hỗ trợ tiếp nhận trực tiếp tại văn phòng công ty hoặc email...
“Việc làm khó này đã làm kéo dài thời gian giải quyết, qua đó làm tăng số tiền phạt mà NTD phải nộp” - Cục Quản lý cạnh tranh lý giải.
Để không sập bẫy
Để không rơi vào tình cảnh dở khóc dở mếu khi vay tiêu dùng, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM, khuyến cáo người vay cần nắm rõ lãi suất, lãi phạt và ngày nghỉ, ngày lễ. Cụ thể người vay cần hỏi rõ ngày trả nợ trùng với ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) thì hợp đồng sẽ quy định thế nào. Bên cạnh đó nhiều người vay trả nợ bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng và việc chuyển khoản có thể mất 1-2 ngày, có thể dẫn đến việc người vay bị phạt lãi rất cao.
“Để đảm bảo không bị phạt, thường là với mức phạt rất cao, người vay nên chủ động trả trước hạn, trả trước ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần. Nếu chuyển khoản thì phải thực hiện sớm hơn 2-3 ngày và lưu giữ chứng từ nộp tiền cẩn thận” - ông Chánh khuyến cáo.
Bà Phạm Quế Anh, chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho rằng để bảo vệ NTD các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, sửa chữa ngay các hành vi sai trái; yêu cầu bên cho vay phải hoàn trả các khoản phí quá cao, vượt quá quy định; dỡ bỏ các quảng cáo gây nhầm lẫn; phạt, công bố vi phạm công khai, bắt bồi thường thiệt hại hay thu hồi giấy phép kinh doanh của các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật.
Đừng vội tin lời mật ngọt
Trước khi chọn lựa phương án vay tiêu dùng, người vay cần tham khảo kỹ bạn bè, người thân về các công ty tài chính, đừng chú trọng vào những lời mời chào cho vay dễ dàng, siêu tốc, lãi suất thấp.
Ngoài mức lãi suất phải trả hằng tháng, một số hợp đồng có thể phát sinh các khoản phí, chi phí khác. Ví dụ, phí mua bảo hiểm cho khoản vay. Các khoản phí này có thể được tính gộp vào khoản tiền phải trả hằng tháng của NTD. Để bảo vệ quyền lợi, NTD nên đề nghị nhân viên nêu rõ các khoản phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Mức phạt trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng thường rất cao và rất chặt chẽ. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn thường bỏ qua nội dung này. Để hiểu rõ các hành vi có thể dẫn tới mức phạt, NTD đề nghị nhân viên chỉ rõ nội dung quy định về lãi phạt, cách thức tính lãi phạt, hình thức thông báo cho NTD khi bị phạt…
Ông HỒ TÙNG BÁCH, Cục Quản lý cạnh tranh
ghi TRÀ PHƯƠNG
Đáng báo động
Bà Đinh Thị Thanh Nhàn, khoa Kinh tế luật, Trường ĐH Thương mại Hà Nội, cho hay từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo về hoạt động tiêu dùng cho các công ty tài chính. Trong đó có yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thành lập công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng, đồng thời đáp ứng được các quy định để đảm bảo tính xác định lãi suất, tính minh bạch cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay thông tư này chưa được thông qua.
Theo quy định lãi suất trần quy định cho vay tiêu dùng là 20%/năm nhưng trên thực tế, con số này có khi vọt lên tới trên 80% thì quả là đáng báo động. Cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh, quản lý.
Theo NLD