Còn những thách thức cần hoá giải
Theo báo cáo NHNN công bố, tỷ lệ nợ xấu hệ thống NH tiếp tục dưới 3% nhưng trên thực tế còn một khối lượng nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý dứt điểm được.
Ông Lê Xuân Nghĩa
Thời gian tới đây, NHNN có những điều kiện thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ, song cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) khi trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Cụ thể đâu là những thuận lợi đối với NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, thưa ông?
Có thể thấy rõ, đối với các vấn đề vĩ mô, trong mấy năm qua, lạm phát duy trì ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế tốt. Nhờ vậy, lòng tin kinh doanh của DN ngày càng được củng cố và quan tâm hơn. Còn đối với vấn đề của ngành NH, trong mấy năm qua mặt bằng lãi suất ổn định ở mức hợp lý, thanh khoản hệ thống NH tốt, tín dụng tăng trưởng trở lại. Cơ chế điều hành tỷ giá mới đã phát huy tác dụng tích cực giúp NHNN hoàn toàn chủ động điều hành tỷ giá hối đoái. Tôi được biết, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ từ các NHTM, thị trường. Nhờ vậy, dự trữ ngoại tệ đang ở mức khá cao vào khoảng trên 11 tuần nhập khẩu. Trong khi đó, tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế giảm rõ rệt. Tỷ lệ đô la hoá tính theo chuẩn IMF chỉ còn 10%. Thị trường vàng trong nước tiếp tục ổn định.
Còn những thách thức thì sao, thưa ông?
Đúng là NHNN có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng thách thức phải đối mặt cũng tương đối lớn. Theo báo cáo NHNN công bố, tỷ lệ nợ xấu hệ thống NH tiếp tục dưới 3% nhưng trên thực tế còn một khối lượng nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý dứt điểm được. Nền tảng tài chính của một số NHTM suy giảm, khả năng sinh lời thấp, ROA, ROE lần lượt chỉ ở mức 0,6% và 5,6% bình quân toàn ngành NH.
Tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế đã giảm rõ rệt
Mặc dù cho đến nay các NH đã có những chương trình hiện đại hoá quản trị, đặc biệt là quản lý rủi ro, nhưng tình trạng chưa minh bạch, thiếu tôn trọng lợi ích của cổ đông nhỏ, vi phạm quy định về quản trị rủi ro, kỷ luật thị trường vẫn còn tồn tại. Đây là một vấn đề ngày càng trở nên cấp bách khi Việt Nam gia nhập sâu vào thị trường tài chính khu vực và quốc tế, đòi hỏi phải tuân thủ các chuẩn mực rất khắt khe về quản trị, về chuẩn mực kế toán và các chỉ tiêu an toàn hệ thống.
Ngoài ra, hệ thống giám sát của NHNN đối với các NHTM và định chế tài chính trực thuộc vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như thiếu hệ thống thông tin quản lý (MIS). Công tác thanh tra, giám sát gặp nhiều khó khăn cả về tính chính xác, tính thời sự, tầm nhìn dài hạn và hiệu lực, hiệu quả giám sát. Chính vì vậy, xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực NH vẫn còn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá mặc dù có được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, không minh bạch rõ ràng vì một mục tiêu duy nhất ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nhiều trường hợp chính sách tài khóa (đã hết dư địa) đang “gặm mòn” dư địa còn rất ít ỏi của chính sách tiền tệ.
Vậy, theo ông làm sao hóa giải những thách thức trên?
Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề liên quan đến lãi dự thu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng cần có sự hợp tác đắc lực của Bộ Tài chính và cơ chế xử lý. Ví như, khoanh lại lãi dự thu và cho hoàn nhập dần trong nhiều năm (vì Bộ Tài chính thu thuế từ lãi dự thu của các NH trước rồi – PV). Việc giải quyết lãi dự thu cũng sẽ giúp đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Các NHTM sẽ mạnh dạn bán nợ theo giá thị trường (tài sản thế chấp), mạnh dạn chuyển nhóm nợ mà không sợ đưa lợi nhuận về mức thực chất. Đây là điểm then chốt nhất của xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính thực sự của hệ thống NH, tạo đà cho các quá trình tự tái cấu trúc hiệu quả. Muốn làm được như vậy, cần có nguồn lực tài chính và quan trọng hơn phải có cơ chế chính sách để các NHTM tự xử lý và tất nhiên là cần có thời gian.
Ví dụ, có cơ chế chuyển nhóm và trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ đã cơ cấu lại theo Quyết định 780 trước đây. Hoặc cơ chế xử lý lãi dự thu để cho các NHTM mạnh dạn bán tài sản thế chấp theo giá thị trường để xử lý nợ. Tạo điều kiện hơn để VAMC mua bán nợ theo giá thị trường như tăng quyền tự quyết của chủ nợ mới đẩy nhanh xử lý tài sản đảm bảo.
Về cơ chế quản lý đối với tiền gửi và cho vay ngoại tệ gắn liền với việc giảm dần tình trạng đô la hoá thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng có vẻ như lộ trình đi hơi nhanh. Theo tôi thời điểm này có thể cân nhắc một số vấn đề đặt ra trong lộ trình chống đô la hóa, như thanh khoản ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế.
Cần phải xem xét lại lãi suất tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trên nền tảng coi ngoại tệ vẫn còn là một tài sản cất giữ lớn của dân cư và DN; là công cụ thanh toán quan trọng trên các hoạt động thương mại trong khi thị trường ngoại hối, đặc biệt là thị trường phái sinh chưa phát triển đầy đủ. Lộ trình chống đô la hóa vẫn còn nhiều dư địa. Ví dụ, tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, giảm tỷ lệ trạng thái ngoại tệ, phát triển công cụ phái sinh…
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trong thời gian tới rất quan trọng. Trên thực tế, việc phải phát hành lượng trái phiếu chính phủ lớn bù đắp thâm hụt và các khoản hỗ trợ có tính chất chi ngân sách từ NHTW đang gây những khó khăn rất lớn làm giảm hiệu lực và hiệu quả từ chính sách tiền tệ. Do vậy, Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN cần phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ đồng bộ hơn trong thời gian tới theo hướng “để dành” nguồn lực và dư địa chính sách cho những tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Đã từng là người đảm nhiệm nhiều vị trí trọng trách ở NHNN, tôi tin rằng Thống đốc am hiểu tường tận về thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của ngành NH; đủ bản lĩnh, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Chính phủ đã giao phó.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Thời Báo Ngân Hàng
Chia sẻ
Bài đăng cùng chuyên mục
Lãi suất - Hội Thảo "Quản trị hiệu quả nguồn vốn - Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm"
13/08/2016 8:32:01 SA
Việt Nam và WB ký hiệp định 560 triệu USD hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
13/07/2016 12:57:20 CH