Phó tổng giám đốc VIB: “Bắt nhịp với công nghệ, hoặc thất bại”
Một góc nhìn về cạnh tranh bằng công nghệ và yêu cầu bắt nhịp hành vi của người tiêu dùng...
Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Công nghệ số
của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB).
Tại hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam 2016 với chủ đề “Thay đổi để phát triển” diễn ra tại Tp.HCM mới đây, ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Công nghệ số của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) đưa ra góc nhìn như một yêu cầu cấp thiết với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trước những thay đổi của công nghệ.
Góc nhìn này xuất phát từ thói quen thường ngày của người tiêu dùng đến yêu cầu thay đổi khắc nghiệt về công nghệ trong cạnh tranh, nhưng thích ứng và sáng tạo với thay đổi đó không phải là quá xa vời.
Môi trường buộc phải cạnh tranh
Sự khắc nghiệt của thay đổi công nghệ được ông Nhất Minh dẫn lại ở hai thương hiệu mà hẳn bất kỳ doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng từng ngước mắt nhìn về một thời: Nokia và Kodak.
Cách đây 10 năm, Nokia là biểu tượng của sáng tạo và công nghệ điện thoại di động. Khi được hỏi về thương hiệu điện thoại di động, hẳn 99% người tiêu dùng sẽ trả lời ngay là Nokia. Tuy nhiên, ngày nay, thương hiệu Nokia đã biến mất mà thay thế vào đó là những cái tên Apple, Samsung và những thương hiệu rất mới khác.
Cả thế giới đã thừa nhận Apple vượt qua và chiến thắng Nokia trước hết là về công nghệ. CEO của Nokia đã từng phải thốt lên là họ làm mọi điều đều đúng, nhưng họ quên mất rằng đối thủ của họ đúng hơn. Vị thế kinh doanh của Nokia đã mất vì công nghệ.
Không những thế, Nokia hay một số doanh nghiệp khác nghĩ rằng họ đưa ra những chế độ ưu đãi tốt với con người, họ phát triển tốt đội ngũ nhân lực gắn kết để xây dựng công ty phát triển. Thực tế cho thấy, Nokia vẫn gắn kết nhân viên rất tốt nhưng họ thực sự đã quên rằng công nghệ là mấu chốt của vấn đề phát triển.
Hay với Kodak, một thương hiệu tiếng tăm hàng trăm năm, tương tự như Nokia, nói đến máy ảnh và phim chụp ảnh là nói đến Kodak. Khi xu hướng chụp ảnh bằng công nghệ số bắt đầu phát triển, hãng vẫn tự tin và không nghiên cứu để thay đổi. Điều đó dẫn đến thương hiệu Kodak bị xóa sổ.
“Cả Nokia và Kodak, hay nhiều trường hợp khác, đều là những doanh nghiệp giỏi. Nhưng họ không tồn tại một mình, mà trong một thị trường luôn thay đổi. Cũng như chúng ta, dù có giỏi đến đâu thì thị trường vẫn có thể thay đổi nhanh hơn chúng ta rất nhiều”, ông Trần Nhất Minh đặt vấn đề.
Thay đổi của thị trường, mà trong đó có lõi của công nghệ, trước đây có khi phải mất hàng thập kỷ, nhưng ngày nay mọi thứ có thể thay đổi chỉ qua một đêm. Doanh nghiệp buộc phải thay đổi và thích ứng nhanh để cạnh tranh trong môi trường đó.
Trước hết, đó là thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Phó tổng giám đốc VIB đưa ra quan sát của mình rằng, các doanh nghiệp cần chú ý rằng, người tiêu dùng ngày nay, thế hệ 9x trở đi, xem ti vi rất ít và dùng facebook thì nhiều.
Đó cũng là quan sát điển hình về thói quen đã định hình của một bộ phận lớn người tiêu dùng hiện nay: ăn, ngủ, giải trí, làm việc với thiết bị di động.
Thói quen đọc báo, xem facebook với điện thoại di động trước khi đi ngủ, thức dậy “check mail”, ăn sáng đọc báo, thậm chí vừa đi giày vừa xem điện thoại, trên xe ôtô xem điện thoại, ở công ty dùng điện thoại ghi chép, đặt hàng với điện thoại, chụp ảnh và up ảnh lên instagram...đã trở thành thói quen hàng ngày của hàng triệu người.
“Người dùng Việt Nam dùng smartphone mọi lúc mọi nơi. Theo số liệu tôi có được thì Việt Nam có khoảng 40 triệu người kết nối tích cực vào Internet, 24 triệu người hoạt động tích cực trên các trang mạng xã hội và dùng smartphone. Doanh nghiệp chúng ta cần chú ý đến điểm này”, ông Minh dẫn dữ liệu về một thực tế gần gũi và có xu hướng ngày càng mở rộng.
Hay trong sinh hoạt gia đình, dễ nhận thấy là ngày càng có nhiều thiết bị cảm ứng kết nối giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng, người dùng cuối, thực hiện tương tác giữa các bên. Năm 2012 trên thế giới có 8 tỷ thiết bị như vậy, đến 2016 là khoảng 22 tỷ và dự đoán đến 2020 sẽ có tới 50 tỷ thiết bị.
Song song với thay đổi trên là sự ra đời của những doanh nghiệp công nghệ đột phá như Uber, Grab về taxi, hay Apple về thiết bị di động, facebook về media… Và hơn hết là môi trường và hành vi của bộ phận lớn người tiêu dùng đã và đang thay đổi theo đó.
“Nếu doanh nghiệp vẫn bảo thủ với các cách truyền thống, chúng ta có yêu cách làm việc cũ mấy đi nữa mà không thay đổi và bắt nhịp về công nghệ, thì có thể bị thất bại trong cạnh tranh”, ông Trần Nhất Minh nêu quan điểm.
Không quá xa vời
Định hướng công nghệ số là thực tế đã rõ ràng đối với các doanh nghiệp. Ông Minh đưa ra ba giai đoạn của hành trình chuyển đổi theo định hướng này.
Đó là từ công nghệ cũ (Analog) đến công nghệ số (Digital), như việc viết bức thư bằng bút rồi gửi, đến soạn thảo trên máy tính rồi gửi e-mail. Tiếp đến là quá trình số hóa để giải quyết các công việc của doanh nghiệp bằng hệ thống công nghệ, giảm thiểu in ấn, giấy tờ. Và giai đoạn thứ ba là số hóa các hoạt động lõi của doanh nghiệp.
Theo ông Minh, hoạt động lõi của doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh của mỗi công ty, là những gì công ty làm giỏi hơn các đối thủ khác. Ở giai đoạn ba, việc số hóa các hoạt động này là để bất cứ thay đổi nào của hoạt động kinh doanh đều có thể thực hiện ngay lập tức.
“Đối với các nhà lãnh đạo, chúng ta cần phải leo lên núi, nhìn ra xa để thấy con đường phát triển, chứ không chỉ nhìn vào những công việc trực tiếp hàng ngày”, Phó tổng giám đốc VIB nói, nhưng theo ông con đường đó trong thay đổi và thích ứng với thay đổi công nghệ không phải là quá xa vời.
Như tại VIB, ông Minh cho hay, khoảng bốn năm về trước, dễ thấy hàng chồng hồ sơ trên bàn làm việc của các lãnh đạo. Nhưng nay, 90% quy trình làm việc đã được số hóa tại Hội sở chính của ngân hàng.
Đây cũng là ngân hàng thương mại tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, mà nổi bật là việc triển khai MyVIB - ứng dụng ngân hàng di động sáng tạo nhất Việt Nam năm 2015 (giải thưởng từ Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG).
Như dẫn chứng về thói quen hàng ngày của một bộ phận lớn người tiêu dùng nói trên, với MyVIB, họ có thể chỉ mất vài phút để thực hiện hàng loạt giao dịch ngân hàng trên điện thoại, với khả năng kết nối tới gần 400 nhà cung cấp dịch vụ, thanh toán…
Và VIB cũng là một trong những ngân hàng thương mại Việt Nam sớm thiết lập các kênh tương tác với khách hàng qua thay đổi – tiện ích công nghệ (qua website, internet banking, mobile banking, live-chat, facebook…) một cách thuận tiện, an toàn.
Dĩ nhiên, thay đổi và ứng dụng công nghệ đòi hỏi đầu tư. Nhưng ông Minh cho rằng, hiện nay yêu cầu đó không còn quá xa và quá lớn, mà ngày càng thuận lợi.
Trước đây muốn mua ứng dụng tin học phải mua phần mềm, phần cứng, thuê chuyên gia vận hành. Nay điện toán đám mây cho phép mua phần mềm tự động cài đặt, không nhất thiết phải mua hoặc thuê máy chủ; chi phí đầu tư có thể trả 100 USD/tháng thay vì hàng chục ngàn USD một lần; thời gian triển khai một dự án bình thường trước đâu cần 6 tháng nay chỉ có thể 1 tháng…
“Với môi trường và các điều kiện như vậy, tôi nghĩ mọi doanh nghiệp đều phải sẵn sàng cho sự thay đổi công nghệ. Làm kinh doanh hiện nay cần phải sẵn sàng cho mạng xã hội và điện thoại thông minh. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh “online”, kết nối phần “offline” và “online” thành một, làm sao để kết nối hoạt động trong nội bộ của doanh nghiệp với môi trường bên ngoài đang thay đổi nhanh như vậy, để cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Và, dĩ nhiên, chúng ta luôn cần chú ý an ninh mạng và an toàn hệ thống”, Phó tổng giám đốc VIB kết luận.
Theo VnEcomony
Chia sẻ
Bài đăng cùng chuyên mục
Lãi suất - Hội Thảo "Quản trị hiệu quả nguồn vốn - Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm"
13/08/2016 8:32:01 SA
Việt Nam và WB ký hiệp định 560 triệu USD hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
13/07/2016 12:57:20 CH