Thủ tướng: “Không để tình trạng có tiền mà không tiêu được”
“Yêu cầu số 1 lúc này là không để có tiền mà không giải ngân được mà phải đưa nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách còn dư, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp về kinh tế vĩ mô chiều 30/5.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ ngành kinh tế như: Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước…chiều 30/5 về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2016.
Bên cạnh chỉ đạo trên, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp huy động nguồn lực kể cả huy động ngoại tệ trong dân để có thêm nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế.
Cùng với đó, dù tình hình kinh tế những tháng qua có khó khăn, song Chính phủ sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà sẽ phấn đấu hết sức mình để đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp cho biết, chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng vừa qua tăng 1,88% so với chỉ tiêu 5% của cả năm. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng liên tục trong 4 tháng qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu, giá gas và giá lương thực phẩm tăng. Nguyên nhân của giá lương thực tăng là do xuất khẩu tăng và hạn hán. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm còn có thể chịu thêm sức ép do điều chỉnh giá viện phí và học phí.
Trong khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt trên 34%, thấp hơn so với cùng kỳ là 37%. Còn sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi chậm. Xuất khẩu đạt gần 68 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 7% và gần bằng so với năm ngoái.
Điểm sáng nhất trong 5 tháng qua là Việt Nam đã thu hút được trên 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân được gần 6 tỷ USD từ nguồn vốn này.
Theo lãnh đạo các bộ ngành, dư địa tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay còn lớn, điều quan trọng lúc này là tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ODA. Bởi có bảo đảm được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì mới đảm bảo được thu ngân sách và không làm tăng nợ công.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần là không được chủ quan, không để bị động trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
“Kiên quyết giữ vững các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực, các bộ, ngành phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, “chứ không nói chung chung”.
Về điều hành chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách khác; lưu ý bảo đảm chất lượng tăng trưởng GDP bên cạnh số lượng.
Ngay tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng để rà soát và kịp thời báo cáo Thủ tướng quyết định những biện pháp tháo gỡ các vướng mắc đang cản trở việc giải ngân các nguồn vốn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở những lĩnh vực thiết yếu và cơ sở hạ tầng quan trọng để tăng nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vừa phải đảm bảo số lượng và chất lượng tăng trưởng GDP nhưng cũng phải đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân, nhất là người dân ở những vùng thiên tai, lũ lụt, hạn hán và người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.
Theo Vneconomy
Chia sẻ
Bài đăng cùng chuyên mục
Lãi suất - Hội Thảo "Quản trị hiệu quả nguồn vốn - Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm"
13/08/2016 8:32:01 SA
Việt Nam và WB ký hiệp định 560 triệu USD hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
13/07/2016 12:57:20 CH