Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12%

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
13/04/2016 10:39:59 SA
BẢO TRỢ

Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12%

Laisuat.vn - Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

Ngày 9-1, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ ngân hàng năm 2013 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong năm 2013 cần tập trung làm tốt việc xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Xử lý nợ xấu trước hết và chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Nhà nước và ngân sách sẽ không có tiền để xử lý nợ xấu, mà chủ yếu hỗ trợ các ngân hàng thông qua chính sách, qua tái cấp vốn”.

Theo báo cáo cập nhật của NHNN, đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Trong đó,  tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011, phù hợp với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, các giải pháp tín dụng đã được điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Cụ thể, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 14%, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 6,15%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% so tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và hiệu quả, điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. NHNN sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện vững chắc.

Trường hợp lạm phát của năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012, tiếp tục điều hành theo hướng giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, thực hiện đến hết năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, năm 2012, ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: VGP

Phát biểu chỉ đạo ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kinh tế năm 2013 được dự báo là sẽ còn nhiều khó khăn. Mục tiêu chung của nền kinh tế năm 2013 là lạm phát thấp hơn năm ngoái, ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để 2014-2015 tăng trưởng cao hơn. Thủ tướng yêu cầu phải điều hành chính sách tiền tệ để lạm phát năm 2013 phải thấp hơn 6,8% của năm 2012, tỷ giá tiếp tục ổn định và quản lý thị trường vàng tốt như đối với thị trường ngoại tệ.

“Nhiệm vụ của ngành ngân hàng là lấy mục tiêu chung của đất nước để phấn đấu. Phải thực hiện tốt hơn, linh hoạt hiệu quả hơn trong điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát thấp hơn năm 2012. Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát là Thống đốc phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Mục tiêu kép đặt ra là có khả năng chứ không phải duy ý chí” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng giao phó cho ngành ngân hàng là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, đúng địa chỉ. Theo đó, các ngân hàng cần chia sẻ tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách phân tích những đơn vị khó khăn tạm thời cần cho vay, hạ lãi suất, khoanh nợ, dùng dự phòng rủi ro để giảm lãi suất.

Cảnh mua, bán vàng tại cửa hàng vàng Mi Hồng, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Đánh giá về thị trường vàng, người đứng đầu Chính phủ nhận định, dù vẫn còn một số việc cần làm, nhưng bước đầu ngành ngân hàng đã làm được yêu cầu đưa ra đó là không để thị trường vàng gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng nêu hai yêu cầu về quản lý thị trường vàng cho ngành ngân hàng. Thứ nhất, cần đảm bảo nhu cầu cơ bản, hợp pháp của người dân về vàng. Thứ hai là quản lý vàng để từng bước vàng trở thành nguồn lực đất nước.

Theo SGGP Online

Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi