Muốn giảm lãi suất, phải khéo... co kéo?

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
04/05/2016 8:47:37 SA
BẢO TRỢ

Muốn giảm lãi suất, phải khéo... co kéo?

Một số ngân hàng lớn bắt đầu giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức giảm không nên quá 1% và cần có các giải pháp đồng bộ như giảm dự trữ bắt buộc, giảm phát hành trái phiếu chính phủ và các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí.

 


Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, cho rằng tTrong khi mức chênh lệch ròng của các nước là 2,2% - 2,5% thì chênh lệch ròng của các ngân hàng Việt Nam quá thấp.

Ngay sau “Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp” ngày 29/4/2016 tại Tp.HCM, các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank và một vài ngân hàng cổ phần nhúc nhắc giảm lãi suất tiền vay từ 0,5% - 1%/năm.

Khối Nhà nước đi trước

Theo đó, lãi suất VND cho vay trung, dài hạn của Vietcombank giảm về 10%/năm trong thời gian 1 năm. Cùng đó, từ 4/5/2016, tất cả khách hàng Vietcombank tại miền Trung có dư nợ trung dài hạn đang bị thiệt hại do hiện tượng thuỷ hải sản chết bất thường có mức lãi suất trên 9%/năm sẽ được điều chỉnh về 9%/năm. 

Theo sau Vietcombank, BIDV cũng đưa ra chính sách giảm tiền vay nhưng mở rộng ra cho cả tiền vay ngắn hạn. Cụ thể, khách hàng tốt được giảm 0,5% đối với ngắn hạn và với trung dài hạn, được vay mức 10%/năm. 

Song song, BIDV tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng, kiểm soát chặt cho vay bất động sản, dự án BOT, kinh doanh chứng khoán để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp được hưởng lợi từ chính sách hội nhập. 

Cũng trong đợt giảm lãi suất lần này, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, hiện tổng dư nợ ngân hàng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khoảng 27.666 tỷ đồng, trong đó, có 6.850 khách hàng với dư nợ gần 850 tỷ đồng bị thiệt hại. Agribank miễn toàn bộ lãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp. 

Tại VietinBank, với lãi suất ngắn hạn, áp dụng mức 6,5% - 6,8%/năm trong 3 tháng kể từ 29/4; với kỳ hạn trung, dài hạn, áp dụng 8%/năm trong 6 tháng, kể từ 29/4 đối với nhóm khách hàng thủy hải sản bị thiệt hại tại 4 tỉnh miền Trung.

Trong khi đó, khối ngân hàng cổ phần chưa thể hiện xu hướng giảm lãi suất, ngoại trừ SHB và TPBank. 

Phải khéo... co kéo?

Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất hiện nay khá khó khăn do nhiều yếu tố như nguy cơ trỗi dậy của lạm phát, hiệu ứng gián tiếp từ áp lực tăng tỷ giá. 

Do đó, dù một số ngân hàng “tiên phong” giảm lãi suất nhưng đó là kết quả của “hiệu triệu” từ Chính phủ và cơ quan quản lý thay vì phản ứng tự nhiên trước xu hướng thị trường. 

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho rằng, lãi suất cho vay đang ở mức 7%-11%/năm (bình quân 8,5%/năm) là tương đối thấp nếu so với giá vốn khoảng 7,8% (gồm lãi suất huy động khoảng 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%). Do đó, mức chênh lệch ròng chỉ khoảng 0,7%. 

Trong khi mức chênh lệch ròng của các nước là 2,2% - 2,5% thì chênh lệch ròng của các ngân hàng Việt Nam quá thấp. 

Ông Hà cũng nhấn mạnh rằng, lãi suất cho vay bình quân 8,5%/năm của Việt Nam hiện nay chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%) và cao hơn các nước Asean (6%-7%/năm). Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. 

“Nhiều người cho rằng, việc giảm tiếp mặt bằng lãi suất là khó nhưng tôi nghĩ vẫn có thể giảm thêm 0,5% - 1%, với điều kiện phải thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ”, ông Hà nói. 

Ông Hà cho rằng, việc đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng 1 mức là 1%; riêng, tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn có thể xem xét ở mức 3%. 

Đồng thời, điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức <10% về mức <8%. Nhờ đó, ước tính có thể giải phóng thêm nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế khoảng 100.000 tỷ đồng so với thời điểm hiện tại. 

Hai là, cần phải giảm phát hành trái phiếu chính phủ, bởi lẽ lâu nay, các tổ chức tín dụng nắm giữ tới 85% hàng hóa này; tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, Chính phủ phát hành 102 nghìn tỷ đồng thì các tổ chức tín dụng nắm giữ tới 97 nghìn tỷ đồng. 

Dự kiến năm 2016, kế hoạch phát hành của Kho bạc là 220 nghìn tỷ đồng thì nhiều khả năng, các ngân hàng sẽ mua tới 187 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ. 

Điều lo ngại, đây là nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nền kinh tế và vì thế, Chính phủ sẽ cạnh tranh gay gắt cả số lượng lẫn lãi suất nguồn vốn đối với khu vực tư nhân. 

Ba là, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn; đồng thời, đẩy nhanh xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm vốn để phục vụ doanh nghiệp. 

Chẳng hạn, theo Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại được tái cấp vốn tối đa 70% cho trái phiếu đặc biệt mua nợ của VAMC nhưng thực tế, họ chỉ được tái cấp vốn rất ít và hạn chế. 

Bốn là, Ngân hàng Nhà nước cần vận động và yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm khoảng 10% chi phí quản lý hoạt động trong năm 2016.

Năm là, Ngân hàng Nhà nước nên sửa đổi Thông tư 36 về quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 40% theo lộ trình, chẳng hạn: sau 12 tháng, đưa về mức 50%; sau 24 tháng, đưa về mức 40% như dự thảo từng đề cập.

Theo Vneconomy




 
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi