Chỉ tiêu tín dụng 2012: bắt đầu triển khai nhiệm vụ?
Laisuat.vn - Tính đến thời điểm này đã có 28 ngân hàng chính thức công bố chỉ tiêu tín dụng được giao trong năm 2012 và bắt tay vào việc triển khai hoạt động kinh doanh để hoàn thành chỉ tiêu.
Hoạt động cầm chừng….
Sau khi nhận được chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng (NH) lớn đã chính thức bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch năm, những NH TMCP nhỏ thì đang chờ thông tin trực tiếp từ Ban lãnh đạo, còn Ban lãnh đạo thì chờ chỉ thị từ NHNN mới dám phê duyệt những đề xuất kinh doanh.
Năm 2012, theo ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống Đốc NHNN thì các tổ chức tín dụng được chia làm 4 nhóm và hoạt động theo các chỉ tiêu tín dụng được giao với các hạn mức tăng trưởng nhất định. Nhóm 1 bao gồm những NH phát triển lành mạnh với hạn mức được cấp tín dụng là 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8% và nhóm 4 là nhóm có nguy cơ mất an toàn, thuộc diện phải cơ cấu lại, sẽ không tăng trưởng tín dụng.
Danh sách phân nhóm chỉ tiêu tín dụng được giao năm 2012
Nếu không được giao tăng trưởng tín dụng thì kinh doanh của NH thuộc nhóm 4 chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.Vì theo Thống Đốc Nguyễn Văn Bình trong quý II/2012 sẽ có từ 5 - 8 ngân hàng “bị” đưa vào danh sách sáp nhập để đảm bảo an toàn trong hệ thống.
Như vậy, thông tin về nhóm tín dụng và chỉ tiêu được giao tăng trưởng trong năm đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá một NH. Vậy NH nào nằm trong nhóm 1&2 chắc chắn sẽ "thở phào nhẹ nhõm" và có thêm niềm tin, động lực để phát triển.
Trao đổi với Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn, một cán bộ truyền thông của một ngân hàng TMCP nhỏ có trụ sở chính tại Hà Nội chia sẻ " Đã bước qua tháng thứ 3 của năm mới, nhưng ngân hàng chị vẫn chưa triển khai gì nhiều cho năm 2012, các đề án kế hoạch đều đã được trình nhưng các sếp vẫn chưa duyệt nên cũng không thể thực hiện được. Năm nay kinh tế khó khăn, mọi việc phải tính toán thật cẩn trọng em ạ, không thì sau 6 tháng, NHNN đánh gía lại mà mình không đạt thì cũng nguy hiểm".
Chia sẻ thêm về vấn đề này, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng nằm trong nhóm "chưa công bố chỉ tiêu tín dụng" nói thêm: " Tuần qua, khách hàng đến hỏi thông tin ngân hàng anh thuộc nhóm nào? Tài sản họ gửi vào có bị mất hay không? Không tăng trưởng tín dụng thì ngân hàng có đủ lãi để trả tiền lời cho khách gửi hay không?...., nhân viên bên anh phải giải thích tận tình để khách họ hiểu, có người thì thông cảm tin tưởng, nhưng có khách khó tính thì họ xin rút hết tiền dù chưa đến ngày đáo hạn. Nói chung, giờ tự mình cứu mình trước, chứ biết sao".
Thu hút nguồn tiền từ nhiều hướng
Để thu hút nguồn tiền, nhiều nhà băng đã triển khai những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Thanh toán bằng thẻ, dịch vụ mở tài khoản bằng tin nhắn, các chương trình trúng xe, trúng vàng, hay quà tặng trực tiếp,…được các nhà băng “mở thưởng” nhằm thu hút thêm nguồn tiền nhàn rỗi từ cộng đồng dân cư và tăng tính cạnh tranh “khốc liệt” trên thị trường tiền tệ.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia hoạt động 30 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì: “Trong ngành NH có 3 rủi ro lớn: Rủi ro về tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro về nghiệp vụ, đặc biệt là rủi ro về tín dụng là rủi ro rất lớn trong vấn đề tăng trưởng nhanh”
Điều này cũng được hiểu vì sao hiện nay, các NH đều thắt chặt tín dụng, hạn chế cho vay và tăng cường mở rộng huy động vốn.
Lãi suất vay đã giảm, nhưng rất khó tiếp cận
Sau thông tin tuyên bố giảm lãi suất của 4 "ông lớn" là BIDV, Vietcombank ,VietinBank và Agribank với mức lãi suất giảm thấp nhất là 14,5%/năm áp dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nông sản,…tính đến thời điểm này đã có nhiều đơn vị ngân hàng "mớm mồi" cho việc giảm lãi suất, điển hình là vừa qua VPBank đã tung ra gói hỗ trợ lãi suất 5000 tỷ đồng cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, sản xuất kinh doanh,... với mức ưu đãi giảm đến 3%/năm so với mức lãi vay hiện hành.
Tuy nhiên, mặt bằng chung lãi suất vay hiện nay theo khảo sát của Laisuat.vn vẫn từ +- 20% – +-22%/năm. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận hồ sơ vay tại NH rất khó nên đã có nhiều doanh nghiệp (DN) phải “thắt lưng bóp bụng” vay nóng bên ngoài, nếu tình trạng này tiếp diễn rất có thể “vỡ nợ tín dụng đen” lại tái diễn như những tháng cuối năm 2011.
Theo các chuyên gia kinh tế, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, DN càng vay nhiều thì lợi nhuận sẽ càng giảm. Vì vậy DN nên chủ động cấu trúc lại nhu cầu tài chính và quản trị kinh doanh của mình để thích ứng với thời kỳ mới.
Dung Hạ