Giảm lãi suất: nói dễ nhưng thực thi khó
Laisuat.vn - Tại thời điểm này, mức lãi suất huy động trung bình giữa các ngân hàng (NH) là 9.63%/năm, cao nhất thuộc về kỳ hạn 12 và 18 tháng, với mức trung bình là 10,35%/năm. Trước những diễn biến của thị trường lãi suất như hiện nay, NH và khách hàng có ý kiến gì?
Thực trạng nhìn từ ngân hàng đến khách hàng
Thông tin giảm lãi suất, dù đã được dự báo trước nhưng trong suốt tuần qua, thị trường lãi suất huy động giữa các NH liên tục xáo động. Theo bảng cập nhật lãi suất huy động từ 40 ngân hàng trên Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn thì các kỳ hạn trung – dài hạn là biến động nhiều nhất, có thể nói là biến động theo ngày.
Mức lãi suất niêm yết cao nhất hiện nay thuộc về ngân hàng Bắc Á, với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 12.5%năm (lãi cuối kỳ). Kế đến là các ngân hàng như Ngân hàng Phương Tây, ngân hàng Kiên Long, SeABank, Navibank,…. với mức huy động từ 11.5% – 12%/năm.
Giám đốc Marketing của một ngân hàng TMCP có trụ sở chính ở Tây Sơn, Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù lãi suất huy động đã giảm, tạo đều kiện cho lãi suất vay giảm. Tuy nhiên, lãi suất gửi có thể giảm ngay nhưng lãi suất vay không thể nói giảm là giảm ngay được, phải 2 -3 tháng thì mới có thể áp dụng được mức lãi suất như NHNN công bố. Hiện nay, ngân hàng cũng đang có gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp (DN) nhưng để chạm được mức lãi suất ưu đãi thì rất ít, đa phần ngân hàng cho vay ra với mức 17 - 19%/năm, không thể giảm hơn được nữa”.
Đứng dưới góc độ là người được tiếp nhận những chính sách mới từ NHNN, khách hàng Trần Kim Bình ở Tp.HCM nêu quan điểm về vấn đề giảm lãi suất vay và lãi suất huy động: “Việc giảm lãi suất tiết kiệm nói chung là tốt nhưng phải đồng bộ với tất cả các nền kinh tế, nhưng lãi suất NH giảm, các mặt hàng phục vụ cho xã hội vẫn tăng như vậy vô hình chung đánh vào thu nhập của người dân, đó là khoản thu nhập có thể thêm để bù lại giá cả thị trường, lấy đi niềm vui nhỏ bé của toàn xã hội”.
Bên cạnh đó, quyết định giảm trần lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn hạn xuống còn 9%/năm (từ ngày 11/6) khiến cho việc gửi tiền không mang lại nhiều lợi nhuận như nhiều người mong đợi. Vì thế, nhiều người dân đang mạo hiểm rút tiền, chuyển qua cho những đầu mối chuyên cho vay nặng lãi bởi lãi suất ở chợ đen vẫn cao hơn lãi suất hiện đang huy động tại ngân hàng. Khi được hỏi về vấn đề này, một nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi chia sẻ cách nhìn nhận của mình trước diễn biến của thị trường “Tín dụng “chợ đen”không phải lúc nào cũng rủi ro, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chỗ nhiều rủi ro lại là chỗ an toàn vì phòng ngự cao. Chỗ suôn sẻ lâu năm, khi có sự cố lại là chỗ thiệt hại nặng nhất vì không phòng bị. Chơi dao có ngày đứt tay. Ngân hàng tuy mỏng nhưng an toàn cao. Ngân hàng càng uy tín cao thì lãi có khi là thấp! Nếu là người thích mạo hiểm và sớm có đồng lời thì có thể mang tiền “ra ngoài” kinh doanh, còn muốn an toàn vốn, không phải phập phồng lo sợ thì mang gửi ngân hàng”.
Những hỗ trợ thiết thực
Hiện nay, để thực hiện đúng hướng các chủ trương đề ra, NHNN đang từng bước cố gắng đưa ra những quyết định, những chính sách hỗ trợ DN, nhằm “vực dậy” trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngày 22/6 vừa qua, NHNN cũng đã ra chỉ thị chỉ định 5 ngân hàng hỗ trợ giảm tổn thất nông-thủy sản. Theo đó, các NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, NH Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NH Công thương Việt Nam, NH Ngoại thương Việt Nam, được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ giảm lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông-thủy sản. Theo chỉ định này thì các đối tượng được vay hỗ trợ gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch; dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ bốn triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản (cả kho lạnh trên tàu đánh cá), rau quả, kho tạm trữ càphê và các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Đã có nhiều NH TMCP công bố giảm lãi suất vay, sẵn sàng giải cứu doanh nghiệp, kết hợp với những chính sách mới về giảm – miễn thuế cho DN cũng phần nào giúp doanh nghiệp có niềm tin để “mạnh tay” đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Tuy tính đến thời điểm này, thị trường tín dụng chưa được báo cáo khả quan, vấn đề giải ngân, cho vay, đảo nợ,…. Vẫn là những bước “thủ tục” cản trở DN, nhưng nhìn vào bức tranh hiện nay, có thể thấy đã có dấu hiệu sáng sủa hơn hai quý đầu năm 2012.
Dung Hạ