Những ‘dấu ấn’ thay đổi lãi suất 2012 và ‘hướng đi” năm 2013
Laisuat.vn - Năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động và vay có nhiều thay đổi lớn. Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn gửi đến bạn đọc bài tổng hợp về các “mốc sự kiện” này.
Năm 2012 là một năm rất khó khăn của nền kinh tế Việt Nam với nhiều cung bậc khác nhau. Tuy nhiên, Chính Phủ và Ngân hàng nhà nước cũng đã có những chính sách, quyết định kịp thời và quyết liệt nhàm ổn định kinh tế, giảm bớt gánh nặng co doanh nghiệp và giải cứu nợ xấu ở các ngân hàng.
Lạm phát từ ngưỡng 20% đã giảm xuống còn một con số dưới 7%, trong khi duy trì được tốc độ tăng trưởng đạt trên 5% và lãi suất vay cũng đã giảm từ +-20% xuống còn +-12 – 13%/năm.
Bảng lãi suất trung bình 12 tháng của 40 ngân hàng. Nguồn: Laisuat.vn
2012: 6 lần giảm lãi suất huy động và cho vay
Lần đầu tiên vào ngày 13/3, mức điều chỉnh từ 14% về 13%/năm theo yêu cầu giảm lãi suất huy động của Thủ tướng chính phủ.
Tiếp đó, đến ngày 11/4, lãi suất huy động cũng giảm thêm 1%, về 12% một năm.
Ngày 28/05/2012, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định đưa trần lãi suất huy động - cho vay lần lượt về còn 11 và 14% một năm, đồng thời hạ một loạt lãi suất điều hành.
Từ ngày 11/6/2012, trần lãi suất huy động VND đã giảm từ mức 11%/năm xuống còn 9%/năm. Bên cạnh đó, theo thông tư 19/2012/TT-NHNN được ban hành ngày 8/6/2012, NHNN đã cho phép các NHTM tự quyết định lãi suất huy động kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên). Đây là một bước đi hợp lý của NHNN, giúp các NHTM tự cân đối được cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn của mình.
Từ 24/12/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa trần lãi suất huy động giảm xuống còn 8%/năm. Theo các DN với mức lãi suất huy động 8% thì họ hy vọng các ngân hàng sẽ cho vay ra ở mức 11-12% nhưng điều này chưa xảy ra.
Tại hội nghị mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2013: sẽ xem xét bỏ trần lãi suất huy động.
Theo đó, NHNN sẽ điều hành các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát; Tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống TCTD cải thiện vững chắc. Trường hợp lạm phát của năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012, NHNN tiếp tục điều hành theo hướng giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát.
Nhìn về kinh tế 2013
TS Lê Đăng Doanh
TS.Lê Đăng Doanh: Vẫn có tiềm lực và hoàn toàn có khả năng phát triển
Một nền kinh tế mà tín dụng đóng băng thì không thể tăng trưởng được. Vì vậy yêu cầu cấp bách hiện tại là giải quyết nợ xấu. Phải biết nợ xấu nó là bao nhiêu, nợ xấu nằm ở đâu, ở lĩnh vực nào, ngân hàng nào, doanh nghiệp nào. Và trên cơ sở đó phải có phương án giải quyết thích hợp.
Tôi cho rằng năm 2013 vẫn chưa phải là 1 năm phù hợp để doanh nghiệp mở rộng phát triển mà sẽ tiếp tục là 1 năm tái cấu trúc. Quá trình này sẽ còn kéo dài thêm 2-3 năm nữa mới có thể thay đổi được. Ngoài ra, cần phải có những cải cách mạnh mẽ.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Doanh nghiệp đang tồn tại là trụ cột của nền kinh tế
Chặng đường 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, xử lý nợ xấu là trọng tâm giai đoạn 2 của tái cơ cấu ngân hàng. Vấn đề đặt ra là từ nay làm thế nào để các ngân hàng yếu kém đang gây rất nhiều rắc rối cho thị trường tiền tệ, đặc biệt cho việc ổn định lãi suất, ổn định thanh khoản cũng phải được xử lý rốt ráo. Sau quý I năm 2013 có thể xem xét vấn đề lãi suất một cách tổng thể. NHNN trước đây định bỏ dần tiến tới tự do hóa lãi suất, tôi cho rằng đó là hướng đi tốt hơn là đưa ra các mức trần.
Ông Trịnh Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông: Kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ ổn định hơn
“Năm 2013 sẽ còn nhiều khó khăn do hậu khủng hoảng như: tổng cầu rất yếu, doanh nghiệp khó khăn và còn tiếp tục phá sản. Nhưng theo tôi, kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ ổn định hơn, tăng trưởng cao hơn, khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới bền vững. Và niềm tin được phục hồi đối với cả doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài”.
Ông Tay Han Chong – Tổng Giám Đốc Ngân hàng TMCP Phát Triển Mê Kông (MDB): Khó khăn gấp đôi đối với kinh tế Việt Nam. Năm 2013, Công cuộc cải tổ ngành ngân hàng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên việc này sẽ có những thách thức nhất định. Nên tiếp tục duy trì lãi suất ở mức như hiện này dù có thể nhạy cảm với xu hướng của lạm phát. |
Dung Hạ