Dồn dập công bố dòng vốn giá rẻ
Laisuat.vn - Mức giảm đáng kể của trần lãi suất huy động 2% là một phần nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. “Bắt sóng” chính sách, hàng loạt ngân hàng cũng công bố gói tín dụng với lãi suất thấp.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC, thời điểm tiến hành đợt cắt giảm lãi suất lần thứ tư này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể hơi vội vàng. Nhưng lạm phát suy giảm nhanh chóng trong thời gian gần đây và các điều kiện tín dụng vẫn còn “o ép” thì việc cắt giảm lãi suất là điều nên làm.
Đợt cắt giảm lãi suất lần thứ tư này đã được dự báo do tình hình tín dụng tiếp tục giảm sút từ đầu năm cho đến hết tháng Tư vừa qua và lạm phát đang trên đà suy giảm kể từ tháng Chín năm ngoái. Hơn nữa, áp lực tăng giá đã chậm lại đáng kể so với cuối năm, chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước và nhiều khả năng còn giảm thêm trong những tháng tới. Cùng với giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm, Chính phủ tuần qua cũng đã giảm giá xăng dầu thêm 3,5%, tiếp tục làm giảm áp lực lạm phát.
Mặc dù đã có loạt cắt giảm lãi suất gần đây nhưng nhu cầu nội địa tại Việt Nam vẫn còn yếu, bằng chứng là từ thời điểm cuối năm 2011 đến hết tháng Tư, mức dư nợ tín dụng đã giảm 0,7%. Điều này cho thấy nhiều nguy cơ lạm phát nghiêng về hướng giảm.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng: Việc NHNN giảm lãi suất là đúng với xu thế thị trường, giúp ngân hàng thương mại giảm được chi phí vốn, cũng như giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.
Mức giảm đáng kể của trần lãi suất huy động 2% được đánh giá là một phần nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ cho các doanh nghiệp. “Bắt sóng” chính sách, nhiều ngân hàng cũng đã công bố gói tín dụng với lãi suất thấp như: TienPhong Bank với gói tín dụng là 3.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi dao động từ 12,5% - 14% dành cho khách hàng doanh nghiệp; VPBank với tổng hạn mức 1.900 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 12% cố định trong 3 tháng đầu tiên tính từ ngày nhận nợ đầu tiên của khoản vay mua ô tô, mua nhà, xây dựng và sửa chữa nhà trả góp…
Trước đó là ANZ với gói lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà, vay thế chấp khác với lãi suất thấp 13,65%/năm; VIB dành nguồn vốn 1.000 tỷ đồng với hạn mức cho vay tối đa lên tới 90% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay tối đa là 180 tháng; ABBank triển khai một chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 14,5%/năm; LienVietPostBank với 500 tỷ đồng trong chương trình “60 ngày tiếp sức cùng doanh nghiệp”. Và đặc biệt là “ông lớn” Agribank với 10 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi 12%/năm với khách hàng xuất khẩu…
Nhiều ngân hàng như: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank … đã có những bước giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp trước khi có quyết định điều chỉnh trần lãi suất cho vay ngắn hạn 13% đối với 4 lĩnh vực ưu tiên.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết: Thời gian qua, Agribank luôn chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay theo tín hiệu thị trường. Các khách hàng kinh doanh hoạt động càng tốt càng có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn rẻ. Hiện có hơn 50% các doanh nghiệp tốt của Agribank đã được tiếp cận với mức lãi suất mới khi vòng quay vốn của họ nhanh và hiệu quả.
Chia sẻ tại hội thảo “Quản trị hiệu quả nguồn vốn - Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm”, ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cho hay: Các ngân hàng đã sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít hoặc không nhiều, chỉ cần 1% hoặc 2%, nếu khách hàng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn có hoạt động kinh doanh, khả năng tài chính tốt, đủ đảm bảo cho ngân hàng thu hồi được vốn. “HDBank chấp nhận trong năm đầu không có lãi để cho những đối tượng như công nhân viên chức vay để mua nhà, để kích cầu”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, kích cầu người dân chỉ như góp gió thành bão. Nếu muốn kích cầu và muốn tăng trưởng tín dụng thì nên kích cầu cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vì đây là nhóm chiếm tỷ lệ dư nợ tín dụng rất cao. Cùng với đó là kích đầu tư công sẽ tiêu thụ rất nhiều những mặt hàng như sắt thép, xi măng…
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao khoảng 15% - 17%, khiến doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Cùng với lãi suất cho vay cao, nhiều công ty vẫn còn thiếu tài sản thế chấp cần thiết để vay vốn an toàn - hậu quả của tình trạng vay quá nhiều từ các năm trước.
Nhất là với doanh nghiệp có hàng tồn kho cao, làm ăn thua lỗ, ngân hàng vẫn giữ chính sách cho vay chặt chẽ hơn để phòng ngừa rủi ro.
An Hạ