Lãi suất huy động đã vượt trần 12%/năm
Laisuat.vn - Theo bảng tổng hợp lãi suất huy động của 40 ngân hàng đang niêm yết trên Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn thì mức huy động trung bình cho các kỳ hạn là 9.98%/năm, trong đó cao nhất là kỳ hạn 12 tháng với mức trung bình là 11.21%/năm.
Vì sao ngân hàng tăng lãi suất huy động?
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 1,82%, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn vẫn gấp hơn 10 lần tăng trưởng tín dụng. Điều này cho thấy, dòng vốn trong ngân hàng vẫn đang “dư thừa” nhưng các ngân hàng vẫn rất thận trọng khi cho vay vốn ra nền kinh tế. Trong bối cảnh đó nhiều ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn bằng cách đưa lãi suất huy động lên vượt trần để hút khách hàng.
Hiện nay, lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng vẫn giữ đúng trần quy định là 9%/năm, mức trung bình chung cho các kỳ hạn này là +-8.95%/năm. Tuy nhiên, dấu hiệu tăng lãi suất huy động đang diễn ra ở các kỳ hạn trung hạn từ 12 tháng đến 13 tháng. Mức trung bình chung hiện nay đang là +11,21%/năm, cao nhất thuộc về ngân hàng Việt Nam thương tín (VietBank), mức huy động 12 tháng là 12.9%/năm, 13%/năm (kỳ hạn 13 tháng).
Các ngân hàng có mức lãi suất cao kế tiếp là VietCapital Bank, ACB, Đai A Bank, DongA Bnak, GP Bank. Ngoài ra còn có hai ngân hàng khác như Eximbank và Sacombank, tuy nhiên đây là hai ngân hàng nằm ngoài danh sách thống kê mức trung bình của Laisuat.vn.
Thực tế việc tăng lãi suất huy động bắt đầu nóng từ sau khi Thông tư 21 nhằm siết hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng có hiệu lực khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn tại thị trường dân cư. Do các kỳ hạn ngắn bị siết chặt theo mức trần quy định là 9% nên các nhà băng đang có dấu hiệu “đua” ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, điều này góp phần đẩy mức lãi suất các kỳ hạn này tăng cao.
Theo lý giải của lãnh đạo một ngân hàng thương mại, việc đưa lãi suất huy động lên cao sẽ giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn tốt hơn. Khi có nguồn vốn dồi dào sẽ giúp các ngân hàng đảm bảo duy trì các chỉ số an toàn tài chính, đồng thời cũng sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn về nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Hơn nữa, với diễn biến lạm phát hiện tại, các ngân hàng cũng sẽ dự báo lạm phát sẽ quay trở lại trong năm 2013. “Có thể mức lạm phát trong năm 2013 không cao nhiều hơn so với năm 2012 nhưng việc đẩy lãi suất lên cao như hiện nay sẽ giúp ngân hàng có thêm nhiều vốn hơn để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”, vị lãnh đạo này chia sẻ.Trong một phát biểu gần đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng năm 2012 là giai đoạn kinh tế Việt Nam thực sự đụng chạm vào các vết thương để tìm biện pháp chữa bệnh. Chính vì vậy, mọi việc “kích thích” cần phải cần thận, "Nếu kích thích kinh tế lúc này không khéo sẽ kích nhầm".
Trong hoạt động tài chính ngân hàng cũng vậy, đây là lĩnh vực nhạy cảm nhất, chính vì vậy, các nhà băng luôn thận trọng trong mọi động thái nhằm đảm bảo an toàn cho chính hệ thống mình là điều quan tâm nhất hiện nay.
Dung Hạ