Ngân hàng nhóm 3 và 4 gồm những ai?
Laisuat.vn – Hiện đã có hơn 20 ngân hàng chính thức công bố chỉ tiêu tín dụng được giao. Với danh sách này, giới tài chính có thể tự dự đoán nhóm 3 và nhóm 4 là những ngân hàng nào.
Danh sách ngân hàng (NH) nhóm 1 và 2 với chỉ tiêu tín dụng được giao là 17% và 15% đã được công bố. Theo đó, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, Eximbank, Maritime Bank, MB, VPBank, VIB, SeABank, Sacombank, ACB, MHB thuộc nhóm 1 và đã bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ trọng điểm trong năm. Danh sách NH nhóm 2, gồm: NamA Bank, DaiA Bank, Phương Nam Bank, OCB, SHB, Liên Việt Post Bank, BaoViet Bank, Nam Việt Bank, Kienlong Bank, MDB, ABBank , Agribank, PG Bank… cũng đã thở phào nhẹ nhõm.
Như vậy, trên thị trường chỉ còn hơn chục NH chưa công bố xếp hạng như: Habubank, DongA Bank, Saigonbank, BacA Bank, HDBank, SCB, VietABank, GPBank, OceanBank, WesternBank, TRUSTBank, TienphongBank… và đây là những ngân hàng được “ dự đoán” sẽ nằm trong nhóm 3 và nhóm 4 – nhóm có nguy cơ bị sáp nhập. NHNN chưa công khai danh sách NH thuộc nhóm yếu nhằm giữ ổn định trong hệ thống, tránh những hệ lụy có thể tác động xấu với nền kinh tế. Nếu thông tin tiêu cực đó không đi kèm với một phương án cải tổ hợp lý và một kế hoạch sáng sủa từ phía ban giám đốc nhằm đưa NH nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn, các cổ đông có thể sẽ thoái vốn, cổ phiếu của NH đó có thể bị bán tháo, điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động chung của ngân hàng, cũng như tạo nên tâm lý “ so sánh e ngại giao dịch” từ phía khách hàng và đối tác.
Không những thế, các NH thuộc hai nhóm này còn phải chịu đựng sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Cán bộ một NH trong diện này cho biết, một ngày sau khi nhận được thông báo phân nhóm, một tổ giám sát của NHNN đến ngồi kè kè, "canh" từng đồng ra, đồng vào. Mọi tài khoản giao dịch nhận tiền gửi, cho vay, thu hồi công nợ, cân đối sổ sách đều bị tổ giám sát canh chừng rất nghiêm ngặt. Những hạch toán chi phí cũng bị để mắt tới, khiến công việc kinh doanh không được thoải mái như trước.
Việc phân nhóm, nhất là nhóm yếu nhưng không công bố cụ thể cũng có thể là chủ ý của NHNN nhằm đưa những ngân hàng này vào tầm kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Trên cơ sở đó NHNN sẽ có những giải pháp điều trị thích hợp. Khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những giải pháp đó. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về NH thì, NHNN nên xem xét việc hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp nhóm III và IV qua những phương tiện truyền thông để tạo sự tin tưởng của người dân. Còn muốn giải quyết dứt điểm NH yếu, kém, nên để thị trường... tự làm. Người dân gửi tiền tiết kiệm phải tự tìm hiểu kết quả hoạt động kinh doanh, uy tín của NH mà mình chọn mặt gửi vàng. Nếu NH nào hoạt động yếu kém, người gửi tiền sẽ ngoảnh mặt và sẽ bị đào thải. Xuân Thanh |