Chính thức có gói tín dụng tới 60.000 tỷ cho nông nghiệp

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
19/12/2016 1:44:48 CH
BẢO TRỢ

Chính thức có gói tín dụng tới 60.000 tỷ cho nông nghiệp

Sẽ có nhiều ngân hàng thương mại cùng được tham gia giải ngân gói tín dụng nông nghiệp có quy mô khá lớn này...


 
Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp tại hội nghị chiều 18/12.

“Chính phủ quyết định dành một gói tín dụng lên tới 50 - 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất”.

Thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, chiều 18/12.

Gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tới đây cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ ra quyết liệt trên toàn cầu, riêng Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh rất quan trọng: Đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ thông tin và du lịch.

Hoan nghênh ý tưởng của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng nói rằng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế; nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Căn cứ một số đề nghị của DAA, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Đặc biệt, về đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng quyết ngay: Phải có một gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ đồng để phục vụ công việc này với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia. Bởi nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó, mới nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức.

Do Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do, là thành viên WTO, Thủ tướng đồng ý với ý kiến các doanh nghiệp là Việt Nam cần có hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông sản trong nước. 

Thủ tướng cũng nhất trí với các ý kiến là cần thiết phải sửa điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp. 

“Phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, chứ để các hộ nhỏ li ti như hiện nay thì khó cạnh tranh trong kinh tế thị trường”, Thủ tướng nói.

Lập ngân hàng về quỹ đất

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất. 

Cùng với tín dụng, cần thành lập phát triển một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh chủ trương tăng cường liên kết giữa 4 nhà, trong đó liên kết giữa nhà nông và nhà đầu tư là nòng cốt, đặc biệt là xây dựng cho được chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. 

Thủ tướng đề nghị nông nghiệp công nghệ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền nông nghiệp không chỉ ứng dụng công nghệ cứng, tức là thiết bị, máy móc mà phải biết tranh thủ công nghệ mềm là công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương thức kết nối phi truyền thống…

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, hiệu quả bền vững; nghiên cứu, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao có giá trị. Nghiên cứu các loại nhà kính, một số công cụ sản xuất phục vụ nông nghiệp công nghệ cao để phát triển ngành cơ khí, khoa học công nghệ trong nước, đồng thời giảm giá thành đầu tư trong nông nghiệp. 

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành cơ chế đầu tư tín dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, hình thành quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Một số bộ ngành khác cùng các địa phương cũng được yêu cầu phải đồng hành cùng dự án, kiên quyết xóa bỏ các rào cản về thủ tục hành chính để nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai phải thực sự lớn mạnh, có vị thế trên toàn cầu.
 
Theo VnEconomy
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi