Chữa bệnh “ngân hàng thừa tiền - doanh nghiệp thiếu vốn”

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
18/09/2023 3:42:39 CH
BẢO TRỢ

Chữa bệnh “ngân hàng thừa tiền - doanh nghiệp thiếu vốn”

Tín dụng toàn hệ thống mới tăng hơn một nửa so với cùng kỳ, ngoài nguyên nhân khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém, còn do sự thiếu linh hoạt của một số ngân hàng

Vốn đã rẻ hơn, nhưng chảy chậm

Ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho hay, ông đang vay vốn tại VietinBank với dư nợ hơn 9 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn chỉ 5,5%/năm. Trang trại hơn 40.000 m2 gồm 8 ao nuôi cá thát lát và cá sặc rằn của ông mỗi năm thu về 300 - 500 tấn. Trung bình mỗi ngày ông phải chi trả khoảng 110 - 120 triệu đồng tiền thức ăn. Dòng tiền từ ngân hàng rót đều đặn với lãi suất hợp lý 10 năm nay giúp ông giảm bớt gánh nặng tài chính để duy trì chuỗi sản xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, khách hàng của Vietcombank Cần Thơ 17 năm nay cho biết, việc tiếp cận vốn của Công ty từ khi thành lập đến nay không hề khó khăn. Doanh nghiệp có quy mô doanh thu trên dưới 1.000 tỷ đồng này hiện có dư nợ vay 170 tỷ đồng, lãi suất ban đầu là 6,5%/năm, nhưng từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 3 lần thông báo giảm lãi vay, với mức giảm mỗi lần 0,5%/năm. Ngoài Vietcombank, Hoàng Minh Nhật cũng được nhiều ngân hàng khác mời gọi vay vốn với lãi suất hợp lý.

Mặc dù lãi suất cho vay dễ thở hơn, song tín dụng vẫn chảy chậm. Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới ngày 31/8, tín dụng nền kinh tế mới tăng 5,56% (cùng kỳ tăng 9,88%), riêng tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long mới tăng 3,35%, dù NHNN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.

Lý giải về tình trạng trên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm giảm, đơn hàng thiếu, cầu của thị trường thế giới và trong nước đều giảm. Doanh nghiệp khó khăn tác động trực diện tới các ngân hàng.

“Vốn ngân hàng đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải chữa bệnh ‘thừa tiền’. Chữa bệnh ‘thiếu tiền’ đã khó, nhưng chữa bệnh ‘thừa tiền’ còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền, thì ngân hàng không thể mang lên NHNN gửi được”, ông Đào Minh Tú nói.

Cần cả phía ngân hàng và doanh nghiệp

Cần phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song cũng không thể “ném tiền qua cửa sổ”, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng, bởi nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Theo ông Nguyễn Minh Nhật, sở dĩ có tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn là do doanh nghiệp thiếu phương án kinh doanh tốt khiến hai bên không gặp nhau.
“Nhiều khi doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, mấu chốt là phương án kinh doanh không thuyết phục được ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, kinh doanh phải có lãi, phải quản trị được rủi ro, không để xảy ra nợ xấu, đảm bảo mạch máu vốn lưu thông… Vì vậy, việc vốn bị ‘tắc’ không thể chỉ gỡ về phía ngân hàng, mà bản thân doanh nghiệp cũng phải chung tay tháo gỡ”, ông Nhật nhận định.

Tuy vậy, với một số doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn khó khăn không phải ở phương án kinh doanh, mà do phía ngân hàng còn thiếu linh hoạt.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho hay, do doanh nghiệp này sản xuất từ khâu giống, nên thời gian từ khâu vốn tới thành phẩm cần tới 12 tháng, cộng thêm 6 tháng nữa để đưa trực tiếp hàng hóa tới người tiêu dùng, tổng cộng thời gian quay vòng vốn là 18 tháng. Mặc dù vậy, ngân hàng chỉ chủ yếu cho vay ngắn hạn 6 tháng, không đủ để doanh nghiệp quay vòng vốn.

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) - doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu 30 triệu USD/năm - lại than phiền việc tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm, thủy sản được triển khai chậm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thiếu linh hoạt trong cấp hạn mức.

Theo ông Hiển, ở Cà Mau, tôm tự nhiên khai thác từ tháng 3 tới tháng 6, doanh nghiệp rất cần vốn để thu mua tôm của dân, song không được cấp hạn mức tín dụng kịp thời khiến dân bị thương lái ép giá, đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải mua tôm với giá cao vì trái vụ. Do đó, ngân hàng cần linh hoạt cấp hạn mức tùy theo thời điểm, tránh khi doanh nghiệp cần thì không vay được, khi ngân hàng muốn cho vay thì doanh nghiệp không cần nữa.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Phó thống đốc Đào Minh Tú gay gắt yêu cầu NHNN các địa phương kiểm tra ngay tiến độ triển khai gói tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản 15.000 tỷ đồng. Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng từng thời điểm cho người dân, doanh nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn.

Theo ông Tú, muốn thúc đẩy tín dụng, cần sự tháo gỡ từ hai phía. Đầu tiên, phải tháo gỡ khó khăn về thị trường, về tạm trữ… để doanh nghiệp yên tâm vay vốn, bởi ngân hàng không thể cho vay nếu doanh nghiệp cứ “xua tay” không cần vốn. Ngoài ra, cần tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, với nhiều dự án bất động sản, ngân hàng sẵn vốn, nhưng không thể giải ngân vì thiếu pháp lý.

Đương nhiên, phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay, song hiện nay, không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng. Việc NHNN cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Theo Đ6àu Tư Chứng Khoán 
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi