Ngân hàng cho vay tăng nhanh, áp lực lãi suất?

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
08/07/2019 9:51:27 SA
BẢO TRỢ

Ngân hàng cho vay tăng nhanh, áp lực lãi suất?

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tăng khá nhanh. Mới quá nửa năm nhưng đã có ngân hàng gần đụng trần tín dụng được cấp, khiến lãi suất lại “nhấp nhổm”

Một số ngân hàng gần hết “room” cho vay
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%. Tỷ lệ này là khá bất ngờ bởi trước đó khoảng 1 tháng, vào ngày 10.6, tốc độ tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 5,75%, trong 5 tháng là 5,74%, đến ngày 18.6, Tổng cục Thống kê đưa ra con số tăng trưởng là 6,22%.

Như vậy chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 6, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng khá mạnh. Chỉ tính riêng tốc độ tăng tín dụng của các ngân hàng (NH) trên địa bàn TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đã lên đến 14,11% so với cùng kỳ năm trước. Cục Thống kê TP.HCM thông tin các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho vay 2,15 triệu tỉ đồng, trong đó các NH thương mại cổ phần cho vay 1,12 triệu tỉ đồng, chiếm 52,18% tổng dư nợ.

Những NH lớn đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, chẳng hạn Vietcombank trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 9%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của hệ thống nói chung. So với hạn mức được cấp hồi đầu năm ở mức 15%, thì chỉ mới 6 tháng, Vietcombank đã sử dụng gần 2/3 tổng hạn mức tín dụng được cấp. Ngoài tín dụng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Vietcombank cán mức 11.000 tỉ đồng trong kế hoạch 20.500 tỉ đồng đề ra và khả năng sẽ cán mức 1 tỉ USD lợi nhuận trong năm 2019.

Tương tự, Sacombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 7% nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của NH này lên đến 5,61%. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết đang xin cơ quan quản lý cho tăng hạn mức tín dụng lên 15%.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng của OCB trong 6 tháng đầu năm đạt được 18%, gần bằng mức chỉ tiêu 20% mà NHNN giao cho. Trong khi đó, kế hoạch của NH này đề ra tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 30%.

Vì hạn mức tín dụng được cấp thấp hơn kế hoạch đề ra, nên OCB đã đẩy mạnh cho vay vào những tháng đầu năm nhằm đạt được những chỉ tiêu khác của kế hoạch, chẳng hạn như lợi nhuận. Ông Tùng kỳ vọng việc OCB được NHNN chấp thuận cho việc thực hiện Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH, chi nhánh NH nước ngoài sẽ là điểm cộng để được xem xét tăng hạn mức tín dụng. Không những OCB mà các NH đạt chuẩn thực hiện Basel II (bộ tiêu chí đánh giá an toàn tín dụng), thực hiện Thông tư 41 đều kỳ vọng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng.

Khả năng nới tín dụng
Nguyên nhân khiến tín dụng tháng 6 tăng nhanh, theo TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV, là do yếu tố mùa vụ. Thông thường vào cuối tháng 6 cũng là cuối quý 2 nên các doanh nghiệp tăng vay để “chốt sổ” cho các hợp đồng sản xuất kinh doanh. Về phía NH, một số vừa qua đáp ứng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn đã mạnh dạn đẩy mạnh tín dụng sau khi được cấp hạn mức thêm.

TS Bùi Quang Tín, thuộc Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, dự báo với tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây thì đến quý 3, một số NH sẽ đụng trần hạn mức tăng trưởng. So với các quý trong năm thì quý 4 có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất, vào khoảng 5%. Vì vậy có khả năng đến cuối quý 3, NHNN sẽ căn cứ đến các yếu tố kinh tế vĩ mô để xem xét điều chỉnh hạn mức tín dụng. Đặc biệt trong điều kiện lạm phát dưới 4%, nhiều khả năng room tín dụng sẽ tăng lên. Lịch sử cho thấy, năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành là 17%, Chính phủ cho phép tăng lên 20% nhưng các NH cũng chỉ tăng hơn 18%.

Ngoài ra, quý 4 cũng là lúc các doanh nghiệp cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa..., trường hợp dòng tín dụng bị ngưng, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn nên thường sẽ có điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với thực tế.

Đánh giá về áp lực của việc tăng tín dụng lên lãi suất, ông Bùi Quang Tín cho rằng khi các NH hết hạn mức cho vay, việc dùng biện pháp kỹ thuật bằng cách tăng lãi suất cho vay cũng có thể được một số NH áp dụng trong trường hợp chờ xin cấp thêm hạn mức.

Thế nhưng, lãi suất cho vay đang được NHNN kiểm soát giữ ở mức ổn định, lãi suất huy động của một số NH nhỏ tăng tạm thời, cục bộ; trên thị trường liên NH, lãi suất giao dịch giữa các NH đang ở mức thấp, thanh khoản NH dồi dào; hơn nữa, tỷ giá ngoại tệ đang có xu hướng giảm... Chính vì vậy, NH nào áp dụng lãi suất cho vay cao, khách hàng có thể chọn NH khác. Khả năng áp lực lên lãi suất là không cao.
 
Các NH sẽ bị áp lực huy động vốn kỳ hạn trung và dài hạn khi hệ thống NH đang phải theo lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và một số NH tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng chuẩn Basel II. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay không đáng lo ngại hay cần phải kiểm soát vì thanh khoản của các NH hiện khá tốt.
TS Cấn Văn Lực

TNO


 
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi