Lãi suất vay tiêu dùng nhích lên

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
28/05/2016 9:24:15 SA
BẢO TRỢ

Lãi suất vay tiêu dùng nhích lên

Hiện một số ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay tiêu dùng (áp dụng cho các khách hàng cá nhân vay mua mới hay sửa sang nhà cửa, mua ô tô…) sau khi liên tiếp tăng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Sau khi tiếp tục tăng lãi suất huy động vào tuần cuối tháng 4, một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn đã thông báo đến các chi nhánh về việc tăng lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân.

Theo đó, đối với lãi suất cho vay bán lẻ (áp dụng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ), ngân hàng này đã điều chỉnh tăng thêm 0,1-0,5 điểm phần trăm áp dụng cho khoản vay tín chấp (tức không có tài sản đảm bảo), và tăng thêm 0,1-0,7 điểm phần trăm với khoản vay có tài sản đảm bảo, tùy từng kỳ hạn vay. Tuy nhiên, nhìn chung kỳ hạn vay càng dài thì mức lãi suất tăng thêm được ngân hàng này điều chỉnh càng cao.
 

 
Nhân viên tư vấn cho khách hàng về các dịch vụ cho vay tiêu dùng. Ảnh: Thành Hoa

Ngoài ra, đối với những chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi cố định 12-36 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Và, lãi suất thả nổi, tức lãi suất áp dụng sau lãi suất ưu đãi, hiện cũng trên 11%/năm, trong khi trước đó chỉ nhỉnh hơn 10%/năm. Mặt khác, đối với lãi suất áp dụng cho vay thấu chi, biên độ lãi suất đã được điều chỉnh tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên 4,5-5 điểm phần trăm.

Tình hình trên cũng diễn ra tương tự tại một số ngân hàng. Ngoài ra, việc lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng cũng kéo lãi suất thả nổi tăng theo.

Trên thực tế, để cạnh tranh, các ngân hàng vẫn đưa ra các gói ưu đãi lãi suất vay tiêu dùng với lãi suất khá thấp so với lãi suất huy động hiện nay, 7,5-7,7% cố định trong 12 tháng đầu, hay 9-9,5% cố định trong 2-3 năm đầu cho những khoản vay có kỳ hạn lên đến 10 năm. Cho nên, lãi suất trong thời gian ưu đãi không bị thay đổi.

Nhưng các năm tiếp theo lãi suất được tính bằng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12, 13, 24 và 36 tháng (tùy ngân hàng) cộng biên độ (margin) – hiện biên độ này phổ biến ở mức 3,5 điểm phần trăm. Vì vậy lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đã khiến lãi suất cho vay tăng theo.

Chẳng hạn, với chương trình cho vay tiêu dùng của Vietcombank áp dụng từ tháng 3-2016 đến hết tháng 3-2017, khách hàng vay mua nhà, xây sửa nhà, mua ô tô được vay với lãi suất ổn định 7,5%/năm cho 12 tháng đầu đối với các khoản vay trên 24 tháng. Nhưng sau thời gian này, khách hàng thường trả lãi suất được tính bằng lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam (VNĐ) kỳ hạn 24 tháng trả sau cộng biên độ 3,5%/năm, nhưng không thấp hơn sàn lãi suất cho vay của Vietcombank tại thời điểm đó. Như hiện nay lãi suất cho vay tiêu dùng tại Vietcombank khoảng 10%.

Vào tháng 3-2016, Vietcombank – là ngân hàng thường có lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống, đã tăng lãi suất huy động tiền gửi cho hầu hết các kỳ hạn, trong đó tăng thêm 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm cho kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng, lên 6,5%/năm.

Lãi suất huy động đã liên tục tăng trong các tháng đầu năm ở hầu hết các ngân hàng. Bắt đầu cuộc đua này là các ngân hàng vốn điều lệ thấp, hoặc mới sáp nhập, hợp nhất, hoặc đã được Nhà nước mua lại 100% cổ phần. Sau đó các ngân hàng lớn cũng tăng lãi suất, một phần do lo ngại khách hàng chuyển tiền gửi tiết kiệm sang những ngân hàng có lãi suất cao hơn.

Việc tăng lãi suất cho vay đang được các ngân hàng cân nhắc thực hiện, đa phần các ngân hàng chỉ nhích nhẹ, hoặc tăng lãi suất cho vay ở kỳ hạn dài. Vì tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút khách hàng, và cũng đi ngược lại với lời kêu gọi giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trên thực tế, việc lãi suất cho vay thả nổi (lãi suất huy động cộng biên độ 3-3,5%/năm) được một số ngân hàng áp dụng trên 11%/năm nhưng mức này không phải là cao so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay nằm ở mức 6,5-7,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng, cũng như chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro (cho các khoản nợ xấu) đang gia tăng tại các ngân hàng.

Theo ý kiến được ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, chia sẻ với báo giới cuối tháng 4-2016, để giảm lãi suất cho vay, cần có một số giải pháp đồng bộ, như NHNN xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay quy định cho các ngân hàng; giảm lượng phát hành trái phiếu chính phủ… Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho rằng các ngân hàng cần tiết giảm chi phí quản lý hoạt động.
 
Theo SGTT


 
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi