Huy động vàng, ngoại tệ trong dân: Hiểu đúng thế nào?

Tên tài khoản:
Bạn đã có tài khoản rồi?
Tích vào đây để đăng ký.
Vâng, Mật khẩu của tôi là:

Bạn đã quên mật khẩu?
14/01/2017 8:24:37 SA
BẢO TRỢ

Huy động vàng, ngoại tệ trong dân: Hiểu đúng thế nào?

Thủ tướng Chính phủ chính thức chốt lại quan điểm có nhiều tranh luận những năm qua...


 
Trong hơn ba năm qua, Việt Nam đã không phải dồn ngoại tệ để nhập vàng về (ở kênh chính ngạch), mà chủ yếu thị trường tự dưỡng bằng nguồn bán ra từ dân cư.

Như VnEconomy đề cập ở một bài viết gần đây, tại Nghị quyết số 01 vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân cư, nhưng theo hướng “nung chảy”.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có dẫn giải cụ thể hơn về quan điểm này.

Theo Thủ tướng, huy động ở đây cần được hiểu là có cơ chế chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, đi vào sản xuất kinh doanh. 

Điều này hoàn toàn khác với cách hiểu rằng huy động là ngân hàng hoặc Nhà nước đi vay vàng và ngoại tệ, thông qua nghiệp vụ huy động - cho vay trước đây của các ngân hàng thương mại.

Tại hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ: “Chúng ta biết rõ tiền nằm trong dân. Tôi không dám nói là ngân hàng huy động tiền, vàng trong dân, đó là một số người hiểu lầm”.

Và với quan điểm nói trên, chỉ khi tin tưởng thì người dân mới đưa nguồn lực đó vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Như vậy, quan điểm trên của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ định hướng huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong nền kinh tế, trước mắt chốt lại những đề xuất và tranh luận trong nhiều năm qua.

Quan điểm trên cũng thống nhất với đường hướng mà Chính phủ đã lựa chọn cách đây 6 năm, và Ngân hàng Nhà nước triển khai từ đó đến nay.

Cụ thể, từ ngày 25/11/2012, theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại bắt đầu ngừng huy động vàng. Vốn vàng từng bước được bóc khỏi hệ thống, cùng với chính sách chấm dứt cho vay vốn bằng vàng.

Tại thời điểm đó, quan điểm mà Thủ tướng nêu như trên cũng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lý giải: “nung chảy” vàng thành VND để đưa vào sản xuất kinh doanh, chính sách làm sao để người dân bán vàng ra, thay vì dồn ngoại tệ của nền kinh tế để nhập vàng về rồi “chôn” trong dân cư.

Cũng tại thời điểm đó, nhà điều hành ước tính, bước đầu, trong vòng 6 tháng, có tới khoảng 60 tấn vàng đã được người dân bán lại cho hệ thống ngân hàng thương mại (với nhu cầu chính để tất toán trạng thái), là kết quả bước đầu thực hiện quan điểm và lựa chọn “nung chảy” nói trên.

Từ đó cho đến nay, sau đợt đấu thầu tạo cung hỗ trợ nhu cầu thị trường từ Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013, Việt Nam đã không còn phải dồn ngoại tệ (liên quan là biến động tỷ giá) để nhập khẩu vàng về ở kênh chính ngạch, như áp lực luôn thể hiện từ năm 2011 trở về trước. 

Và suốt từ đó đến nay, vàng trong nước được “nung chảy” để tự cân đối, đáp ứng nhu cầu thay vì phải nhập khẩu.

Tương tự, với ngoại tệ, chủ trương và chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng có những bước đi hạn chế bớt sự hấp dẫn, cũng như tình trạng găm giữ trong dân cư. Dù chưa cắt bỏ hoàn toàn, nhưng hoạt động cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã bị siết chặt. Cùng đó, huy động ngoại tệ bị hạn chế qua cơ chế áp trần lãi suất USD ở 0%/năm.

Ứng với những chủ trương và chính sách trên, giá trị VND, ngoại trừ biến động mạnh 2015, luôn được giữ ổn định với khoảng biến động chỉ từ 1-2% mỗi năm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chênh lệch lãi suất có lợi cho việc nắm giữ VND…

Theo đó, như “nung chảy” ở vàng, hoạt động dịch chuyển vốn trong dân cư từ ngoại tệ sang VND cũng thể hiện rõ.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2016, lượng tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm mạnh, ước giảm khoảng 7% so với cuối 2015. Tỷ trọng vốn ngoại tệ trong tổng vốn huy động toàn hệ thống theo đó cũng giảm đáng kể trong năm 2016, xuống còn khoảng 10,5%, từ mức 12,9% năm 2015.

Ngược lại, huy động VND của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng rất cao năm qua, ước đạt tới 23% và gia tăng tỷ trọng lên 89,5% tổng vốn huy động, từ mức 87,1% cuối năm 2015.

Song song với diễn biến “nung chảy” đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng lớn ngoại tệ trong năm 2016, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục khoảng 41 tỷ USD.

Và ngay từ đầu năm 2017, hoạt động mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được ghi nhận.
 
Theo VnEconomy
Chia sẻ
Từ khóa:

Bình luận bài viết

Bình luận mới

  • Gửi